Một bạn đọc (Ngọc Long) hỏi tôi về phân biệt giữa tập san SCI và SCIE, và đây là câu hỏi tôi cũng từng thắc mắc, và tôi nghĩ mình đã có câu trả lời. Theo tìm hiểu của tôi thì SCI là một "sưu tập" khoảng 6000 tập san (con số năm 2010), còn SCIE như tên gọi (expanded) thì có khoảng 8500 tập san. Tất cả tập san trong SCI đều dĩ nhiên có trong danh bạ của SCIE, nhưng như chúng ta có thể đoán, một số tập san trong SCIE thì không có trong SCI. Số 2500 tập san có trong danh bạ SCIE nhưng không có trong danh bạ SCI chủ yếu là những tập san mới, trực tuyến, và tập san Mở (Open Access).
Tiêu chuẩn để "kết nạp" tập san vào danh bạ SCI và SCIE là như nhau. Do đó, đứng trên mặt lí thuyết, "chất lượng" của tập san SCI và SCIE không khác nhau. Điều này đúng, vì các tập san Mở và trực tuyến trong nhóm PLOS và BMC nằm trong SCIE có impact factor cao hay rất cao, không thua kém, thậm chí cao hơn, so với các tập san SCI. Chú ý là PLOS họ không quan tâm đến impact factor.
Nhưng chẳng hiểu vì lí do gì mà một số nước như Tàu, Hàn Quốc (và hình như cả Nhật và Việt Nam) lại có xu hướng xem tập san trong SCIE là kém chất lượng hơn SCI! Tôi đoán có lẽ họ thấy trong danh mục SCI có nhiều tập san lâu đời hơn và danh giá, nên họ đánh giá các tập san này cao hơn SCI. Nhưng như tôi nói trên, đánh giá này không có cơ sở khoa học nào cả. Một cách để đánh giá chất lượng của tập san là xem impact factor hoặc các chỉ số tương tự hoặc hỏi các chuyên gia trong ngành.
Dưới đây là một lá thư của Thomson trả lời về khác biệt giữa tập san SCI và SCIE. Lá thư này khẳng định một lần nữa rằng hai nhóm tập san không khác nhau về tiêu chuẩn tuyển chọn (tức chất lượng). Nhưng cái khác nhau duy nhất là SCI thì có trong CD/DVD, còn SCIE thì chỉ có trên website trực tuyến. Điều này có nghĩa là việc một số nơi có xu hướng đánh giá chất lượng tập san SCIE không bằng SCI là một sai lầm, vì hai nhóm tập san này có tiêu chuẩn được tuyển chọn như nhau.
====
http://jmst.ntou.edu.tw/webdownload/SCIE_Letter.pdf
Hôm nọ, một người bạn báo cho một tin vui, vì anh mới có một bài báo khoa học vừa được chấp nhận cho công bố. Anh ấy còn kèm theo lá thư chấp nhận, mà trong đó có đoạn [trích nguyên văn, kể cả sai sót về văn phạm và ngữ vựng] "We are Pleased to Inform you that your draft Paper Mentioned above has been Accepted by the International Journal of Engineering and Innovative Technology Editorial Board Committee. […] We reserve the rights to reject your paper if the payment is not done within fewnumbers of days after Date of Acceptance." (Tạm dịch: Chúng tôi hân hạnh báo cho ông biết rằng bản thảo bài báo của ông như đề cập trên đã được hội đồng biên tập chấp nhận cho công bố. […] Chúng tôi có quyền từ chối công bố bài báo nếu ông không trả ấn phí đúng thời hạn, tức sau vài ngày bài báo được chấp nhận).
Chỉ cần đọc qua lá thư, tôi đã thấy đây rất có thể là một tập san dỏm. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một thương vụ làm tiền đeo mặt nạ tập san khoa học quốc tế. Cảm nhận đó tôi có được vì chẳng có tập san học thuật nghiêm chỉnh nào lại đe doạ tác giả nếu không trả tiền phí thì bài báo sẽ bị từ chối! Tôi đề nghị người bạn nên xem lại, cụ thể là rút lại bản thảo, và không trả tiền.
Anh bạn tôi có lẽ không phải là người duy nhất trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này. Nói chuyện với một anh bạn khác đang làm quản lí khoa học của một đại học lớn ở Sài Gòn thì anh cho biết trường anh cũng đang đau đầu với tình trạng này. Một số giảng viên có lẽ chưa có kinh nghiệm nên gửi bài cho những tập san dỏm, được chấp nhận rất nhanh, và họ yêu cầu trường trả tiền ấn phí + tiền thưởng. Nhưng khi trường kiểm tra thì toàn tập san dỏm hay nghi ngờ là dỏm. Sự việc dẫn đến tranh cãi đáng lẽ không nên có giữa giảng viên và lãnh đạo của trường.
Trong mấy năm gần đây, tình trạng các tập san dỏm mọc lên như nấm. Sự ra đời của mấy "tập san" này là xuất phát từ phong trào Open Access (OA, tức tập sanMở). Nói xuất phát từ OA thì không công bằng, phải nói đúng hơn là: lợi dụng phong trào OA. Nói theo tiếng Việt là "té nước theo mưa". Tập san Mở là một trào lưu rất hay, và tôi ủng hộ các tập san Mở. Nhưng có những thương vụ đội lốt khoa học và OA để làm tiền, bằng cách dựng lên những tập san có dánh dấp hay cái dáng dấp khoa học. Nói thẳng ra, đây là những tập san dỏm, đúng theo nghĩa của nó, tức là không có tính chất học thuật gì cả, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Cái khó khăn là các tập san này càng này càng biến hoá như vi khuẩn biến hoá, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả. Khó là vì những tập san dỏm và tinh ranh nó xuất hiện như là những tập san thật hay nửa thật nửa giả, làm cho các tác giả chưa am hiểu trong ngành tưởng là thật. Họ có những cái tên rất kêu như International,Archives, Proceedings, v.v.
Thật ra, nếu là người trong ngành và am hiểu thì nhận ra ngay tập san dỏm và thật. Nếu các bạn hỏi tôi tập san nào là thật trong chuyên ngành xương khớp hay nội tiết tôi sẽ biết dễ dàng. Chỉ cần đọc tên tập san là đã biết, thậm chí biết cả đẳng cấp của tập san đó trong ngành. Nhưng nếu là người ngoài ngành thì việc nhận dạng và phân biệt dỏm và thật có khi không dễ. Thật ra, người ngoài ngành cũng có thể phân biệt thật giả, nhưng phải tốn thì giờ để tìm hiểu và đối chiếu với các tiêu chí trong cộng đồng khoa học.
Tiêu chí nhận dạng tập san dỏm
Tôi nghĩ đến vài nhóm tiêu chí giúp nhận dạng tập san dỏm: đặc điểm nhà xuất bản, ban biên tập, và các khía cạnh "linh tinh" khác.
Thứ nhất, tập san dỏm thường được xuất bản bởi những "nhà xuất bản" đáng ngờ, như chẳng có danh tiếng, không nằm trong hiệp hội xuất bản nào, không có địa chỉ đất (đường phố và thành phố rõ ràng) mà chỉ là trực tuyến, và thường có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng toàn công bố bài ở các nước đang phát triển. Có những nhà xuất bản có địa chỉ ở những nước như Tàu, Ấn Độ, Ả Rập, Phi châu. Thật ra, nói "nhà xuất bản" là cho oai, chứ trong thực tế, đó chỉ là một cái nhà, căn hộ apartment, hay thậm chí chỉ một cái máy computer nối mạng!
Khía cạnh thứ hai cần chú ý là ban biên tập. Một tập san nghiêm chỉnh thường (không phải tất cả) là do các hiệp hội chuyên môn điều hành hay bảo trợ. Chẳng hạn như tập san Osteoporosis International là do Hội loãng xương quốc tế chủ trương, hay JAMA là của Hiệp hội Y khoa Hoa Kì sáng lập và xuất bản. Do đó, ban biên tập là các thành viên của hiệp hội, và họ chỉ phục vụ theo nhiệm kì. Mỗi nhiệm kì thường 2 năm, nhưng cũng có khi 5 năm. Sau nhiệm kì, ban biên tập có thành viên mới và dĩ nhiên là tổng biên tập mới. Ngược lại, các tập san dỏm thường chẳng có hiệp hội nào bảo trợ cả. Họ cũng có ban biên tập, nhưng thành viên ban biên tập là những người "vô danh", hoặc không có địa chỉ cụ thể, hoặc chưa bao giờ công bố nghiên cứu trên các tập san có uy tín cao. Có tập san dỏm có tổng biên tập cũng là chủ nhà xuất bản! (Bởi vì "nhà xuất bản" chỉ có … 1 người).
Ngoài ra, các tập san dỏm thường có những ngôn từ rất "đao to búa lớn" trong danh xưng, và cố gắng nhái tập san thật. Chẳng hạn như tập san chính thống làJournal of Biological Chemistry thì họ nhái là "Journal of Biological Sciences"! Ngoài ra, tiếng Anh của họ thì rất kém, sai sót về văn phạm và ngữ vựng rất nhiều (như trong lá thư tôi trình bày trong phần đầu của bài viết).
Còn nhiều tín hiệu khác để nhận dạng dỏm, và đã được Jeffrey Beall (thủ thư của Đại học Colorado) liệt kê chi tiết (1). Tôi thấy các tiêu chí này rất có ích nên đã diễn dịch lại trong trang blog cá nhân (2). Ngoài ra, dựa vào các tín hiệu trên, Beall còn liệt kê một danh sách tập san dỏm hay có thể là dỏm (3).
Ý nghĩa
Phân biệt tập san dỏm và thật có ý nghĩa quan trọng. Trước hết là để mình không thành nạn nhân của chúng, những tập san có tên là "predatory journals". Kế đến là giúp cho đồng nghiệp không bị các tập san dỏm lừa gạt và trở thành chuyện tiếu lâm của người khác. Quan trọng hơn, trong bối cảnh Chính phủ có nghị định thưởng cho các nhà khoa học có công bố quốc tế, việc phân biệt tập san dỏm và thật giúp cho giới quản lí thưởng đúng người thay vì thưởng cho những tác giả có bài trên tập san dỏm. Hi vọng những thông tin trong bài này giúp ích các bạn nhận dạng được tập san dỏm và thật.
Đọc thêm và tham khảo:
(1) Trang web đề ra những tiêu chí để nhận dạng tập san dỏm:
(2) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/11/nhan-dang-tap-san-khoa-hoc-dom.html
(3) Trang web này liệt kê danh sách một số tập san dỏm hay có thể là dỏm: http://scholarlyoa.com/individual-journals/
Tiêu chí nhận dạng tập san dỏm
Nhận dạng tập san khoa học dỏm đã trở thành một nhu cầu quan trọng ở VN, vì có nhiều đồng nghiệp đã trở thành nạn nhân của những tập san dỏm. Trước đây, tôi có viết một bài về các "tiêu chí" (hay dấu hiệu) để nhận dạng các tập san dỏm này. Nhưng tôi mới sưu tầm trên mạng một bài viết của JeffreyBeall, đầy đủ hơn bài của tôi, và tôi tóm lược sau đây để các bạn chú ý và sử dụng khi cần để phân biệt dỏm và thật.
Biên tập và nhân sự
Chủ nhà xuất bản cũng là tổng biên tập.
Không có cá nhân nào được liệt kê là tổng biên tập.
Tập san không có ban biên tập hay nhóm chuyên gia bình duyệt.
Không có thông tin về nơi công tác (affiliation) của các thành viên trong ban biên tập.
Không có chứng cứ cho thấy ban biên tập hay tổng biên tập có chuyên môn hay tư cách chuyên môn để "gác cổng" học thuật.
Thành viên trong ban biên tập có tên trong 2 (hay hơn) tập san của cùng nhà xuất bản.
Giả tạo danh sách thành viên ban biên tập, tức thành viên ảo, không có ngoài đời. Thỉnh thoảng có tập san đưa tên các nhà khoa học danh tiếng vào ban biên tập nhưng họ không hề hay biết.
Hoạt động: cơ sở xuất bản
Thiếu minh bạch trong thương vụ xuất bản.
Không có chính sách và qui định về "digital preservation".
Phụ thuộc vào ấn phí của tác giả trong việc điều hành nhà xuất bản.
Khởi đầu với rất nhiều tập san.
Cung cấp không đầy đủ thông tin, hay dấu diếm thông tin, về ấn phí.
Liêm chính
Tên của tập san không nhất quán với sứ mệnh của tập san.
Tên của tập san không phản ảnh đầy đủ nguồn gốc của nó (ví dụ như tập san với tên “Canadian” hay “Swiss” trong tên chẳng có liên quan gì đến Canada và Thụy Sĩ).
Tập san giả mạo rằng có impact factor, hay dùng vài chỉ số chưa được công nhận (như số views).
Nhà xuất bản thường gửi spam email đến các nhà khoa học nhờ bình duyệt, và mời nộp bài.
Nhà xuất bản nói dối rằng họ có trong danh bạ danh tiếng như ISI và Scopus.
Nhà xuất bản không có biện pháp ngăn chận các hành vi gian lận như đạo văn, tự đạo văn, đạo đức, v.v.
Nhà xuất bản yêu câu tác giả chính đề cử chuyên gia bình duyệt, và sử dụng các chuyên gia đó mà không xem qua thành tích khoa học của họ.
Vài khía cạnh khác: Nhà xuất bản "predatory" có thể:
Công bố những bài báo đã được công bố trên các tập san khác mà không hề ghi nguồn.
Dùng ngôn ngữ thậm xưng như "leading publisher" dù nhà xuất bản chỉ mới ra đời.
Thường có địa chỉ ở các nước như China, Ấn Độ, Phi châu, hoặc có địa chỉ ở một nước phương Tây nhưng công bố bài ở các nước đang phát triển.
Không biên tập bài báo, hay biên tập rất tối thiểu.
Công bố những bài báo chẳng có gì là học thuật tính, nhưng luận văn phổ thông hay dành cho đại chúng.
Có địa chỉ liên lạc "contact us" nhưng chỉ dưới hình thức trực tuyến mà không có địa chỉ email hay địa chỉ bưu điện.
Các cách làm dưới đây có thể xem là chuẩn mực thấp dù chưa hẳn là ở dạng "predatory", nhưng tác giả phải chú ý:
Nhà xuất bản sao chép nguyên văn phần hướng dẫn cho tác giả ("authors guidelines") của các nhà xuất bản nổi tiếng khác.
Nhà xuất bản cung cấp không đầy đủ thông tin để liên lạc, như không cho biết tổng hành dinh ở đâu.
Nhà xuất bản xuất bản những tập san có cái tên rất chung chung (nhưJournal of Education) để thu hút nhiều bản thảo và để tăng thu nhập.
Nhà xuất bản xuất bản nhưng tập san hỗn hợp giữa 2 hay nhiều lĩnh vực (như International Journal of Business, Humanities and Technology).
Nhà xuất bản đòi tác giả chuyển nhượng bản quyền và giữ tác quyền về nội dung của tập san. Hoặc tập san đòi tác quyền ngay khi nộp bài báo
Nhà xuất bản không duy trì website tốt, hay website có những đường link bị gãy, sai tiếng Anh, v.v.
Nhà xuất bản dùng các hình ảnh từ các website khác một cách bất hợp pháp.
Nhà xuất bản gửi nhiều spam email đến các nhà khoa học để tìm tác giả, người bình duyệt, và thành viên ban biên tập.
Nhà xuất bản dùng các email có địa chỉ như .gmail.com, yahoo.com, hotmail.com, v.v.
Nhà xuất bản không có chính sách về Open Access, hay hiểu sai nguyên lí của Open Access.
Nhà xuất bản không có chính sách về rút lại bài báo, không có chính sách chỉnh sửa khi bài báo có sai sót.
Nhà xuất bản không có số ISSN và DOI.
Nhà xuất bản thường dùng những cái tên như Network, Center, Association, Institute, v.v.
Nhà xuất bản có quá nhiều quảng cáo trên trang web và gây ảnh hưởng đến việc đọc thông tin trên trang web.
Nhà xuất bản không phải là thành viên của hiệp hội nào để dễ kiểm tra.
Nhà xuất bản có khi link vào website của các hội nghị nghiêm chỉnh, làm như có liên quan đến các hội đoàn chuyên môn đó.
Nhà xuất bản thường hứa công bố nhanh và bình duyệt nhanh.
Nhà xuất bản tập trung vào tác giả (chứ không phải độc giả) và ấn phí. Họ không quan tâm đến chất lượng, mà chỉ quan tâm đến tiền.
Nhà xuất bản thật ra chỉ là một cá nhân có thể có kinh nghiệm trong kinh doanh, nhưng không có kinh nghiệm gì trong xuất bản khoa học.
Nhà xuất bản sao chép tên tập san từ các nhà xuất bản khác.
Chẳng ai trong ban biên tập từng công bố trên các tập san trong ISI hay Scopus.
Phân biệt một tập san là thật hay dỏm có khi rất tinh vi. Một người bạn ở VN nhờ tôi đánh giá xem tập san Asian Social Science là thật hay dỏm. Lí do là có vài giảng viên ở VN đã và đang đăng bài trên tập san này. Các chuyên gia, kể cả một người ở Úc, nói rằng đây là tập san thật vì có trong cái danh sách ABDC của Úc. Sau khi xem qua website và vài chi tiết chính, tôi nghĩ Asian Social Science là một tập san dỏm, hay ít nhất là gần nhất với dỏm. Tôi đi đến kết luận này là dựa trên những xem xét sau đây:
1. Tên tập san rất chung chung, chẳng có gì chuyên ngành. Tên này giống giống với Asian Journal of Social Science, vốn là tập san chính thống. Tên tập san chung chung và nhái tên tập san chính thống là một đặc điểm của các tập san dỏm (1).
2. Tập san này không có trong ISI, tuy có trong Scopus. Nhiều tập san trong Scopus là dỏm. Ngay cả một số tập san ISI cũng dỏm, nhưng xác suất dỏm trong ISI thấp hơn trong Scopus.
3. Tổng biên tập I-Tsun Chiang là người không có tiếng. Ông đề địa chỉ là National Changhua University of Education, nhưng trang web của trường không có tên của ông, không có website cá nhân của ông. Tuy nhiên, tìm trên linkedin thì thấy ông tốt nghiệp về ngành thể thao và y tế, và có bằng PhD về "Leisure Behavior" (2). Thành tích công bố quốc tế của ông không rõ.
4. Ban biên tập rất lôm côm. Tập san chuyên ngành thường rất chọn lọc ban biên tập, chỉ có những người có chuyên môn cao và danh tiếng trong ngành mới được chọn/mời vào ban biên tập. Nhưng Asian Social Science thì có một danh sách dài ban biên tập. Trong đó có người mới là nghiên cứu sinh ở VN mà cũng có tên trong ban biên tập! Ngoài ra, còn có nhiều người trong ban biên tập không có công bố quốc tế và địa chỉ đại học rất lạ. Nói chung, đây là tín hiệu cho thấy tập san không nghiêm chỉnh.
5. Nhìn qua nhiều bài báo công bố thấy toàn là từ những nước đang phát triển. Trong đó, có một số bài từ Việt Nam. Đại đa số những bài công bố được chấp nhận chỉ sau 4 tuần sau khi nộp bài! Có khá nhiều bài mà họ nhận trong vòng 2 tuần. Rất nhiều bài mà tiếng Anh trong bài báo cũng không chuẩn. Không có một tập san nghiêm chỉnh nào mà có thời gian nhanh như thế. Ngay cả bình duyệt có thể đã lên đến 2-3 tháng. Đây là một tín hiệu khác cho thấy tập san này là loại làm tiền, chứ không vì khoa học.
6. Nhà xuất bản ccsenet.org được xếp vào nhóm "Potential, possible, or probable predatory scholarly open-access publishers" (3). Website này đăng kí ở Mĩ, nhưng lại nói là địa chỉ ở Canada. Như thế là không minh bạch. Ngoài tạp chí Asian Social Science, ccsenet.org còn có hàng tá tạp chí khác mà không được công nhận trong chuyên ngành.
Khi kiểm tra trong danh sách ABDC của Úc (4) thì có liệt kê Asian Social Science là tập san hạng C. Cần nói thêm rằng ABDC có nghĩa là Australian Business Deans Council - là một nhóm các khoa trưởng khoa kinh tế của các đại học Úc. Nhưng tìm trong danh sách "quality journals" trên harzing.com (5) thì Asian Social Science không có trong danh sách. Tôi đoán rằng danh sách ABDC của Úc có vấn đề (vì có thể ngay cả những người xếp nó vào loại "quality journals" cũng dỏm).
Tóm lại, các tín hiệu trên đây cho thấy khả năng cực kì cao là Asian Social Science là một tập san dỏm do một "nhà xuất bản" làm tiền ấn hành. Cho dù nó có trong danh sách ABDC của Úc thì cũng không nên tin vào danh sách này. Chỉ cần nhìn qua các tác giả từ những đại học không có tiếng công bố trên tập san cũng nói cho chúng ta biết rằng không nên dan díu vào đó (đừng quên câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"). Tôi đề nghị các viện và đại học Việt Nam không công nhận những bài công bố trên tập san này. Cách tốt nhất là các nhà khoa học Việt Nam tránh xa những tập san như Asian Social Science.
Tôi nói thêm là tôi đã gửi thư cho ABDC để cảnh báo họ về Asian Social Science, và cho rằng họ đã sai lầm khi công nhận tập san này là hạng C. Điều này càng cho thấy cái danh sách ABDC của họ không được đánh giá cao.
Các tập san dỏm thường hay gửi email (như spam) để mời bất cứ ai tham gia như là thành viên của ban biên tập. Do đó, nếu ai đó không tự biết mình mà hám danh thì ok ngay. Còn các tập san nghiêm chỉnh, họ không bao giờ làm thế, mà mỗi hai năm họ mời các chuyên gia danh tiếng trong chuyên ngành làm thành viên ban biên tập.
Để chắc ăn, tôi đã hỏi ý kiến của một chuyên gia về các tập san OA là Jeffrey Beall (người lập danh sách các tập san dỏm, rất nổi tiếng trong giới khoa học). Ông Ball cũng đồng ý với tôi là Asian Social Science là một loại tập san predatory. Trong thư viết cho tôi, ông Beall viết nếu ABCD (hội đồng khoa trưởng khoa kinh tế của Úc) công nhận tập san này thì đó là một sai lầm. Tôi cũng nghĩ đó là một sai lầm, và sai lầm này làm giảm giá trị của cái danh sách đó và giảm uy tín của cái hội đồng đó.
===
(1) http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/11/tieu-chi-e-nhan-dang-tap-san-khoa-hoc.html
(2) https://tw.linkedin.com/pub/john-i-tsun-chiang/6/143/7b3
(3) Xem danh sách ở đây: http://scholarlyoa.com/2014/01/02/list-of-predatory-publishers-2014
(4) http://www.abdc.edu.au/pages/abdc-journal-quality-list-2013.html
(5) http://www.harzing.com/download/jql_journal.pdf
Cách đây vài tuần, tôi nhận được một email từ nhà xuất bản có tên là SCIRP (Scientific Research Publishing, scirp.org) từ Tàu mời tham gia ban biên tập một tập san họ sắp khai trương. Chỉ cần đọc qua email với tiếng Anh lôm côm và vài phút xem qua các "tập san" SCIRP xuất bản tôi đã biết đây là một cơ sở dỏm. Hôm nay đọc qua trang retractionwatch.com tôi càng an tâm rằng phán xét của mình là đúng. Càng ngạc nhiên khi tôi thấy có rất nhiều nhà khoa học VN đã là nạn nhân của SCIRP!
Số là Giáo sư Jeffrey Beall phát hiện một bài báo tựa đề “Basic Principles Underlying Human Physiology” (1), cho rằng AIDS chẳng có liên quan gì đến HIV, được công bố trên SCIRP. Đọc qua là biết bài báo dỏm, đi ngược lại kiến thức phổ thông của trường khoa học. Bài báo vẫn có thể xem qua cache (2). Tác giả bài báo là Dumitru Pavel thuộc Bucharest Medical University (Đại học Y khoa Bucharest). Tuy nhiên, người ta kiểm tra thì không có đại học nào ở Romania với tên đó cả! Bài báo đã bị SCIRP rút xuống khỏi website vì họ nói là nội dung cần phải nghiên cứu thêm (1).
Nhưng sự rút lại bài báo không làm tăng uy tín của SCIRP. Trong thực tế, SCIRP chỉ là một nhà xuất bản dỏm. Chỉ cần nhìn qua vài dòng đầu của bài báo của Pavel là đủ biết nó dỏm cỡ nào vì sai tiếng Anh thê thảm: "The exogenous and endogenous stimulating factors stimulate the functional and metabolic activities in the body by means of the nervous system. Physiologically, there are basic neural interactions between the body’s organ systems, the autonomic nervous system (ANS), and the specialized specific nervous areas of the central nervous system (CNS)." Nội dung câu văn thì cứ như là sinh viên làm bài tập y khoa! Bài báo chỉ có 1 tài liệu tham khảo, và tác giả tài liệu đó chính là … Pavel! Thử hỏi một nhà xuất bản nghiêm chỉnh nào mà có thể công bố bài báo như thế?!
Nhưng cái nguy hiểm của SCIRP là nó có một "bộ mặt" khá chỉnh chu, và làm cho nhiều người lầm. Họ cũng có pdf, html, thậm chí cả DOI! SCIRP có hàng trăm tập san, và có những tập san đọc tên đã là cười té ghế, như "Advances in Internet of Things" (nhưng là một ngành học đàng hoàng). Đọc qua email của họ, tôi có thể đoán họ chỉ chuyên săn tìm những ai không am hiểu khoa học để làm mồi. Mỗi tác giả công bố trên đó phải trả khá nhiều tiền. Có thể SCIRP chẳng quan tâm gì đến khoa học cả, nên nội dung bài báo đọc có khi rất hài hước, còn văn phong thì khỏi nói là quá tệ.
Có RẤT nhiều nhà nghiên cứu ở VN đã là nạn nhân của SCIRP. Tôi thử tìm họ "Nguyen" trong trang scirp.org thì thấy có khá nhiều người ở VN đã là nạn nhân của SCIRP. Có tác giả như Nguyen Van Minh, Nguyen Manh Hung thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyen Khac Minh, Pham Van Khanh thuộc Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội. Thậm chí có tác giả có tiếng như Gs Võ Văn Tới của Đại học Quốc Tế (ĐHQGHCM) cũng có bài ở đây! Rất nhiều tác giả từ các trường đại học và viện nghiên cứu có tiếng ở VN, từ Hà Nội, Huế đến Sài Gòn, có tên trong SCIRP! Có cả tác giả từ các nước như Úc và Mĩ có bài trên SCIRP! Phải nói là tôi bị sốc vì có những tên tuổi tôi nhận ra là người thật (3) việc thật mà lại xuất hiện trên SCIRP!
Tôi đồng ý với Jeffrey Beall rằng có thể có một số tác giả là nhà nghiên cứu thật, nhưng vì không am hiểu tập san khoa học nên bị SCIRP lừa gạt và mất tiền một cách đáng tiếc. Những gì họ công bố trên SCIRP sẽ chẳng được người trong chuyên ngành đánh giá cao, nếu không muốn nói là cười sau lưng. Thử tưởng tượng người ta đọc CV và thấy có bài trên mấy tập san của SCIRP, xấu hổ như thế nào. Sự xuất hiện của SCIRP có thể sẽ gây khó khăn cho các cơ quan tài trợ và đánh giá khoa học ở VN, vì họ có thể xem những công bố trên SCIRP là "publication", và có khi tác giả được thưởng. Tuy nhiên, với những người am hiểu về xuất bản khoa học thì họ không thể bị lừa gạt như thế. Qua cái note này, tôi muốn gửi lời cảnh báo đến các đồng nghiệp trong nước là phải cẩn thận chọn tập san để công bố. Trong khoa học cũng có đẳng cấp thật và dỏm. Thà không công bố, chứ nhất định đừng để trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo mang danh xuất bản khoa học.
====
(3) Một số địa chỉ (chỉ ngẫu nhiên tìm):
Nguyen Ngoc Huy1, Dang Dinh Chau2
Vietnam National University of Science, Hanoi, Vietnam
Nguyen Khac Minh1, Pham Van Khanh2
National Economics University, Hanoi, Vietnam
Ho Vu1, Le Si Dong1, Nguyen Ngoc Phung1, Ngo Van Hoa2, Nguyen Dinh Phu
1Faculty of Basic Education, Banking University of Ho Chi Minh City, Ho Chi Minh City, Vietnam
2Faculty of Mathematics and Computer Science, Vietnam National University, Ho Chi Minh City, Vietnam
Trinh Thi Linh1*, Nguyen Thi Anh Thu1, Nguyen Dieu Huong2
1Faculty of Psychology, University of Social Sciences and Humanities Affiliated to Vietnam National University, Hanoi, Vietnam
2Ministry of Science and Technology, Hanoi, Vietnam
Nguyen Tan Phat
University of Economics & Law, Vietnam National University HCMC, Ho Chi Minh City, Vietnam
Khan M. Hua, Thach N. Le*
Department of Organic Chemistry, Faculty of Chemistry, University of Science, Vietnam National University-Ho Chi Minh City, Ho Chi Minh City, Vietnam
Nguyen Thi-Hiep1*, Dao Van Hoa2, Vo Van Toi1
1Biomedical Engineering Department, International University of Vietnam, National Universities in Ho Chi Minh City, Ho Chi Minh City, Vietnam
2Department of Research and Development, Hoa Hiep Co. Ltd., Ho Chi Minh City, Vietnam
Trinh Hoa Lang1, Chau Van Tao1, Kieu Tien Dung2, Le Hoang Chien1
1Faculty of Physics and Engineering Physics, University of Science, Ho Chi Minh City, Vietnam
2Swinburne University of Technology, Melbourne, Australia
Tran Tuan Anh1, Pham Ngoc Son1, Vuong Huu Tan2, Pham Dinh Khang1, Phu Chi Hoa3
1Nuclear Research Institute, Dalat, Vietnam
2Vietnam Agency for Radiation and Nuclear Safety, Hanoi, Vietnam
3The University of Dalat, Dalat, Vietnam
Thao-Tran Thi Nguyen1, Duy-Khiem Nguyen Chau1, Fritz Duus2, Thach Ngoc Le1*
1Department of Organic Chemistry, Hochiminh University of Science, Hochiminh City, Vietnam
2Department of Science, Systems and Models, Roskilde University, Roskilde, Denmark
Tran Van Hung
Research and Development Center for Radiation Technology, Hochiminh City, Vietnam
Dang Duc Nhan1*, Doan Van Canh2, Pham Quy Nhan3, Nguyen Thi Thanh Thuy4, Dinh Thi Bich Lieu5, Vo Thi Anh5, Dang Anh Minh5
1Vietnam Atomic Energy Institute, Hanoi, Vietnam; 2Vietnam Association of Hydrogeology, Hanoi, Vietnam; 3Center for Water Resources Management, Hanoi, Vietnam; 4Hanoi University of Mining and Geology, Hanoi, Vietnam; 5Institute for Nuclear Science and Technology, Hanoi, Vietnam.
Le Anh Minh, Hoang Nam, Nguyen Xuan Thuan
Department of Natural Sciences, Hong Duc University, Thanh Hoa, Vietnam
Huong Thi Le, Nga Thi Thu Vu, Doan Thi Thu Huyen, Nguyen Van Toan
Institute for Preventive medicine and Public Health, Hanoi Medical University, Hanoi, Vietnam