Ðau Bụng Dưới


Phụ Nữ Đau Vùng Chậu Hay Ðau Bụng Dưới

 

Phụ nữ đau bụng dưới là một vấn đề phức tạp.

 

   Trước hết là bởi nhiều cơ quan trọng vùng bụng dưới liên hệ đau bụng. Đau bụng có những triệu chứng trầm trọng nhưng đôi khi cũng mơ hồ. Ngay cả trường hợp dùng nội soi để truy tầm nhưng vẫn không thể kiếm được ra nguyên nhân.

   Bài này nói về đau bụng dưới của phụ nữ, ngoại trừ lý do đau bụng dưới do cơ quan sinh dục.

   Những bộ phận khác bụng dưới của phụ nữ cũng phải lưu ý như đau xương hay đau bắp thịt, đau ruột và bao tử, đau bộ phận đường tiểu, và đôi khi đau bụng vì vấn đề tâm lý hoặc liên hệ những chứng bệnh giải phẫu.

   Vấn đề bắp thịt và gân làm đau bụng dưới phụ nữ trước nhất phải kể tới bệnh đau bắp thịt fibromyalgia. Đây là thứ bệnh thông thường liên hệ xương, bắp thịt và gân ở bụng dưới.

   Nhưng nói cho cùng, chưa có phương pháp nào chính xác để định bệnh đau bụng dưới, kể cả khi khám bệnh nhấn tay vào chỗ bụng đau hay chụp hình đồng vị phóng xạ (Scintigraphy).

   Đôi khi bác sĩ chuyên khoa phong thấp (rheumatologist) hy vọng truy tầm được bệnh đau bụng dưới.

   Đau bụng dưới có thể xuất hiện khi thay đổi thế đi đứng ngồi hay do đau lưng. Lưng vẹo qua hay xương háng không đều cũng làm đau bụng dưới.

   Những phương pháp tập luyện, vật lý trị liệu hay chích thuốc giảm đau có thể giúp một phần nào trong việc điều trị bệnh đau bụng dưới của phụ nữ.

   Viêm giây thần kinh (neuritis) hay khi giây thần kinh tọa bị kẹp, nhất là những giây thần kinh xuất phát từ cột sống chạy dài xuống bẹn (ilioinguinal), giây thần kinh từ phần bụng dưới (iliohypogastric) chạy xuống đùi (lateral femoral cutaneous nerve) hay giây thần kinh truyền vào bộ phận sinh dục (iliofemoral nerve).

   Nguồn gốc làm bệnh nhân đau bụng dưới cũng rất phức tạp. Chẳng hạn đau bụng dưới có thể do đau tử cung. Đau vùng háng có thể xuất từ đau buồng trứng, v..v..

   Đau bụng dưới được phân làm 2 loại. Nếu đau xuất phát từ giây thần kinh (neuralgia) thì cần gập bác sĩ chuyên môn về đau nhức chích thuốc giảm đau. Nhưng nếu đau bụng dưới bắt nguồn từ bên trong lục phủ (causalgia) thì cần nội soi, cần giải phẫu hay đôi khi phải dùng thuốc trị phong thấp.

   Phụ nữ làm việc khuân vác lao động nhiều thường bị đau bụng loại (causalgia) liên hệ bắp thịt hay lục phủ.

   Còn đau giây thần kinh (neuralgia) phần lớn do hậu giải phẫu gây nên.

   Đau bụng dưới có thể do sa ruột. Vùng hâu môn đau do bọng đái hay ruột bị sa xuống thấp và làm đau đớn. Thành bụng do ruột lòi ra cũng làm đau bụng dưới.

   Phải để ý những chỗ mổ cũ, vì vết mổ cũ cũng có thể làm đau bụng dưới.

   Sau hết, nguyên nhân tâm lý cũng khiến phụ nữ bị đau bụng dưới.


(Cập Nhật: Khi phụ nữ bị đau bụng dưới hay vùng chậu trong những trường hợp sau đây cần phải gặp bác sĩ ngay:

1) Ðường kinh bình thường không đau bụng bụng dưới hay vùng chậu đột nhiên bây giờ bị đau bụng,

2) Ðau bụng quá ảnh hưởng tới công việc thường ngày,

3) Bây giờ bị đau bụng mỗi lần giao hợp,

4) Ðau bụng dưới khi tiểu tiện, nước tiểu có máu, hay đi tiểu quá nhiều,

5) Có nhiều máu trong phân hay đại tiện bất bình thường.

Ngoài ra cũng cần gặp bác sĩ trong những trường hợp như sau:

1) Ðau bụng và nghi ngờ có thai,

2) Vừa bị thương tích vùng bụng,

3) Ðau bụng từng vùng hay đau toàn bụng dưới,

4) Ói ra máu,

5) Bị nóng sốt,

6) Có những triệu chứng cơ thể bị mất nước,

7) Nghi ngờ uống thuốc gì làm đau bụng,

7) Ðau vùng chậu hay bụng dưới rồi đột nhiên thêm triệu chứng mới).

Ngo Manh Tran, M.D., Ph.D.

http://www.erct.com/4-ChiaSe/Suckhoe/Phu_nu.htm



Đau bụng dưới hay đau vùng chậu là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng dưới, cần phân biệt rõ để loại trừ các loại bệnh tật có thể có với bất kỳ phụ nữ ở lứa tuổi nào.

1. Đau vùng chậu là gì?

Đau vùng chậu liên quan đến các cơn đau ở vùng bụng dưới rốn. Cơn đau này có thể báo hiệu về các bệnh liên quan đến sinh sản, rối loạn tiêu hóa, hay thậm chí có bệnh còn đe dọa đến tính mạng. Để tìm đúng nguyên nhân khiến phụ nữ đau vùng chậu hãy đến gặp bác sĩ để xác định đúng bệnh và điều trị đúng nguyên nhân.


2. Viêm ruột thừa

Các triệu chứng bao gồm đau nhói ở bụng dưới bên phải, nôn và sốt.Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến ngay bác sĩ vì đây là trường hợp khẩn cấp. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa viêm này nó sẽ lan nhiễm trùng trong ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong.


3. Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính gây ra các cơn đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Chúng xuất hiện khi thay đổi chế độ ăn uống, trong tình trạng căng thẳng...


4. Đau bụng do rụng trứng

Nếu bạn có những cơn đau nhói vào thời kỳ rụng trứng của phụ nữ, điều này xảy ra ở rất nhiều người. Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.


5. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nó làm người đó tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết (hormone) trong một chu kỳ kinh nguyệt) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tăng cường vận động thể dục thể thao, bổ sung vitamin có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt này.


6. Mang thai ngoài tử cung

Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng. Nó xảy ra khi một phôi hình thành và phát triển ở ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu mạnh hoặc chuột rút (đặc biệt là ở một bên),chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt. Trường hợp này người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ ngay.


7. Bệnh viêm vùng chậu

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là bệnh viêm vùng chậu là vô sinh ở nữ giới. Bệnh có thể gây tổn thương ở tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.


8. U nang buồng trứng

Một u nang buồng trứng thường là vô hại, nhưng nếu u nang này ngày càng to, nó gây ra đau vùng chậu, tăng cân và đi tiểu thường xuyên. U nang buồng trứng có thể được phát hiện bằng khám phụ khoa hoặc siêu âm.


9. U xơ tử cung tử cung

U xơ tử cung thường phát triển ở thành tử cung được gọi là u xơ, nhưng đây không phải là ung thư.U xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai. .. Bác sĩ có thể can thiệp loại bỏ u xơ tử cung nếu nó ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.


10. Lạc nội mạc tử cung

Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung, nó có thể xuất hiện ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột, và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Sự phát triển bất thường đó khiến cho người phụ nữ bị đau đớn và đây là căn nguyên không thể mang thai ở phụ nữ.


11. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ nơi nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời. Nhưng khi nó lây lan đến thận, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Các dấu hiệu của nhiễm trùng thận bao gồm sốt, buồn nôn, nôn, và đau ở một bên ở vùng lưng dưới.


12. Sỏi thận

Sỏi thận là hỗn hợp gồm muối và khoáng chất có trong nước tiểu, chúng có thể nhỏ như một hạt cát hay lớn như những viên sỏi to. Khi viên sỏi di chuyển từ thận đến bàng quang của bạn, nó gây ra những cơn đau ở bụng hoặc vùng xương chậu. Nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ như máu.


13. Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ (IC) là một tình trạng đau mãn tính liên quan đến viêm bàng quang. Những người bị IC nặng đi tiểu nhiều lần mỗi giờ. Các triệu chứng khác bao gồm áp lực trên vùng mu, đi tiểu đau và đau trong khi quan hệ tình dục. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 - 40.


14. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đau vùng chậu là một dấu hiệu cảnh báo đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Phổ biến nhất là nhiễm Chlamydia và bệnh lậu. đây là 2 nhiễm khuẩn có thể gây đau vùng chậu, đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên cần tìm đến bác sĩ để chữa bệnh, tránh lây bệnh cho người bạn tình của mình..


15. Đau do sa tạng

Ở những phụ nữ có tuổi, xuất hiện chứng sa tạng, điều này cũng gây chứng đau vùng chậu. Những bộ phận dễ bị sa nhất bao gồm bàng quang hay tử cung. Đây không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây khó chịu. Các triệu chứng phổ biến nhất là tăng áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau đớn.


16. Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (nhìn thấy ở đây trong bắp đùi), và đôi khi họ có thể phát triển ở khung chậu. Máu tràn trong các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho chúng trở nên sưng lên và đau. Đây được gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi bạn ngồi hoặc đứng.


17. Đau do sẹo

Nếu bạn đã từng trải qua các phẫu thuật ở vùng bụng, chậu hoặc thấp hơn, chẳng hạn như mổ ruột thừa, hoặc phẫu thuật do nhiễm trùng ở khu vực này, bạn có thể bị đau liên tục từ mô sẹo. Nhiều trường hợp là do dính ở bụng gây đau.


18. Đau khi quan hệ tình dục

Đau khi quan hệ tình dục có thể do nhiều nguyên nhân, điển hình nhất là donhiễm trùng âm đạo, thiếu chất dịch tiết (khô âm đạo), hoặc nhiều chứng đau mà ngày nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân.


19. Đau vùng chậu mãn tính

Đau vùng chậu xảy ra bên dưới rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng thường được chẩn đoán là chứng đau vùng chậu mãn tính, nhiều khi nó ảnh hưởng cả tới cuộc sống và giấc ngủ của bạn. Đối với những trường hợp này, cách tốt nhất là tìm đến một bác sĩ chuyên khoa.

 Theo Sức khỏe Đời sống