Hải chiến Hoàng Sa 1974 

Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 30 đảo nhỏ

Quần đảo Hoàng Sa bao gồm nhiều đảo lớn, bãi cát và rạn san hô, bãi ngầm nằm cách huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 200 hải lý về phía đông. 

Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 30 đảo nhỏ, đá, bãi ngầm, cồn san hô, với tổng diện tích khoảng 10 km2 nằm rải rác trên một vùng biển rộng khoảng 15.000 km2, trong khoảng vĩ độ 15045’ Bắc - 17015’ Bắc, từ kinh độ 1110 Đông -1130 Đông


Hoàng Sa có hai nhóm đảo chính. 

Ở phía đông bắc là nhóm An Vĩnh (tiếng Anh là Amphitrite, còn gọi là Nhóm Đông) gồm nhiều đảo khá lớn, trong đó quan trọng nhất là đảo Phú Lâm, đảo Nam, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Cây.

Chếch về phía tây nam so với nhóm An Vĩnh là nhóm Lưỡi Liềm (hay Trăng Khuyết, Nguyệt Thiềm, tên tiếng Anh là Crescent), với các đảo lớn là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh. 

Bên cạnh các cụm An Vĩnh và Lưỡi Liềm, Hoàng Sa còn có một số đảo, bãi cát, rạn san hô nằm rải rác, trong đó đáng kể nhất là đảo Linh Côn (Lincoln) nằm ở cực đông quần đảo và đảo Tri Tôn (Triton) đơn độc ở cực tây nam.

Các chúa Nguyễn đã lập những đội thuyền như: Thanh Châu, Hải Môn, Bắc Hải,… để vượt biển đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền.

Dựa trên các nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam và hồi ký của những người nước ngoài thế kỷ XVII – XIX. Biên khảo Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn của tác giả Trần Đức Anh Sơn biên soạn do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành 

Đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương

thực thi chủ quyền trên quần đảo này -

Công xưởng đóng thuyền nhộn nhịp của châu á thế kỷ XVIII

Ngay từ rất sớm, các chúa Nguyễn đã lập những đội thuyền như: Thanh Châu, Hải Môn, Bắc Hải,… để vượt biển khơi đến các hòn đảo giữa biển Đông như: Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa), Bắc Hải (quần đảo Trường Sa), Côn Lôn, Thổ Chu, Phú Quốc… để đo đạc thủy trình và cắm cột mốc khẳng định chủ quyền. Đồng thời, để thu hoạch yến sào, khai thác hải sản và thu nhặt của cải, châu báu, đồ đồng… do các thuyền buôn gặp nạn bỏ lại.

Năm 1644 thế tử Nguyễn Phúc Tần chỉ huy thủy quân của chúa Nguyễn Phúc Lan (1600 – 1648) đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (Thuận An). Đây là lần đầu tiên người Việt đánh bại hạm đội hải quân của phương Tây. Thất bại này cũng khiến người Hà Lan phải từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam.

Công xưởng đóng thuyền nhộn nhịp của châu á thế kỷ XVIII

Đồng bằng Mê Kông và Xiêm La là những trung tâm sản xuất lúa gạo chủ chốt thế kỷ XVII-XIX. Đây cũng là nơi có nguồn gỗ tốt, dồi dào, khai thác thuận tiện. Năm 1747, nhà Thanh có chính sách khuyến khích buôn bán lúa gạo giữa Trung Hoa với các nước Đông Nam Á. Điều này khiến các thương nhân Trung Hoa tìm đến Việt Nam và Thái Lan để đóng thuyền và thu mua lúa gạo về bán bên Trung Hoa, bán cả lúa gạo lẫn thuyền. Thuyền đóng ra không chỉ bán cho thương nhân người hoa mà còn cả thương nhân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – những người “dường như tới Việt Nam chỉ để mua thuyền”.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa dọc ven biển Quảng Ngãi-16/3 Âm lịch

16/3 Âm lịch, Ban khánh tiết đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trang nghiêm, thành kính Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là lễ nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hàng trăm năm trước.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Hải và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm.

Công lao to lớn của cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa năm xưa vẫn còn lưu tại di tích Âm linh tự, Đình làng An Vĩnh và một số dinh miếu thờ khác. Nơi nào có những binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa, thì nơi ấy tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2013; 

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức không phải chỉ ở đất đảo Lý Sơn, mà còn ở nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có những binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa, thì nơi ấy tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tuy nhiên, tại đảo Lý Sơn, nghi thức lễ này rất đặc biệt và được gìn giữ, tổ chức qua nhiều đời. Cứ vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch, các dòng họ tiền hiền, hậu hiền ở Lý Sơn gia đình nào, tộc họ nào có người đi lính Hoàng Sa thì tộc họ đó đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. 

Pháp sư thực hiện nghi thức chẩn phát lương thực, thực phẩm cho các ghe bầu tượng trưng chuẩn bị vượt sóng biển ra Hoàng Sa.

Thổi Ốc U làm hiệu lệnh rước tuyền và hình nhân thế mạng ra biển

hình nhân thế mạng ra biển

Lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh là phần hội trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa 

Hải chiến Hoàng Sa - 1: Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa

Tháng 3, 1945: sau khi lật đổ Pháp ở Đông Dương, Nhật đã trao trả chủ quyền về lãnh thổ cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3, 1945 Đại sứ Nhật Masayuky Yokohama đã nhân danh Nhật Hoàng trao trả độc lập cho Hoàng đế Bảo Đại

Năm 1948, dưới thời Thống chế Tưởng Giới Thạch, một bản đồ hành chính của Trung Hoa Dân Quốc có kèm theo một Phụ lục về "vị trí các đảo Nam Hải" gồm 11 vạch được công bố. 

Tuy nhiên chính phủ ông Tưởng chỉ xác định một cách mập mờ, không đệ trình yêu sách cho Liên Hiệp Quốc.


Năm 1949, sau khi ông Mao Trạch Đông chiếm được lục địa, Trung Quốc bỏ đi hai vạch ở Vịnh Bắc Việt và vẽ lại bản đồ với một tuyến chín vạch chi tiết.

Năm 1951: một hiệp ước quốc tế gọi là 'Hiệp Ước Hòa Bình với Nhật' hay 'Hiệp Ước San Francisco' (vì ký ở Memorial Opera House tại thành phố San Francisco) được 48 quốc gia tham dự và ký kết ngày 8 tháng 9. Trong số những quốc gia thành viên không có cả hai chính phủ Trung quốc (Bắc Kinh và Đài Loan) nhưng có chính phủ Quốc Gia Việt Nam.


Ngay trước và sau khi ký kết (ngày 15 tháng 8, và 18 tháng 9, 1951) ong Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố rằng Hiệp ước San Francisco là bất hợp pháp và khẳng định chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Vào dịp này, ông Chu chính thức công bố cho quôc tế một bản đồ chi tiết: lãnh thổ Trung Quốc gồm cả khu vực ở Biển Đông - vẽ bằng chín cái vạch, trông giống như hình lưỡi con bò, bao gồm tới cả trăm quần đảo, bãi cạn.


Bảy năm sau, lập trường này còn được nhắc lại lần thứ hai - vào năm 1958 - khi ông Chu tuyên bố với quốc tế quyết định về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của TQ và các đảo Trường Sa và Hoàng Sa....


Nguyễn Tiến Hưng

Cựu Tổng trưởng VNCH, gửi cho BBC từ Virginia, Hoa Kỳ

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-40492506 

--------------------

https://thanhnien.vn/hai-chien-hoang-sa-40-nam-nhin-lai-1855974.htm

06/01/2014

Chính sử Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây và các ghi chép, địa đồ của các nhà hàng hải cho biết Việt Nam đã quản lý Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Xét trên tất cả các nguyên tắc về xác định chủ quyền, Việt Nam đều là chủ sở hữu hợp pháp của quần đảo này: tiên chiếm, nhà nước thực thi chủ quyền liên tục trong hòa bình, không có bên nào tranh chấp, không bao giờ từ bỏ. Việc thực thi chủ quyền cấp nhà nước của Việt Nam kéo dài từ các triều chúa Nguyễn, tới nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn về sau. Dưới thời Pháp đô hộ Việt Nam, Hoàng Sa cũng được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền bảo hộ.

Mãi đến đầu thế kỷ 20, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do đảng Cộng sản Trung Quốc (CHNDTH) mới quan tâm tới Hoàng Sa và bắt đầu những động thái sơ khai trong yêu sách chủ quyền. Ngày 11.01.1974, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CHNDTH nhận vơ  là nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền CHNDTH mà Việt Nam Cộng Hòa chiếm cứ bất hợp pháp”- [Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn phát hành sau trận hải chiến năm 1974]. 

Sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của (cựu hạm trưởng HQ-4) Vũ Hữu San và nhà nghiên cứu Trần Đỗ Cẩm cho biết thêm: “Để làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Cộng tung nhiều tàu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng”.

Luu y: “Trung Cộng” là tên gọi để chỉ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đóng đô tại Bắc Kinh, mà ngày nay chúng ta thường gọi là “Trung Quốc”. Ngày trước, “Trung Cộng” được sử dụng để phân biệt với “Trung Quốc”, tức Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân đảng lãnh đạo mà sau khi kết thúc nội chiến Quốc - Cộng năm 1949 thì tập trung tại đảo Đài Loan.

Mao Trạch Đông vốn là tổng công trình sư; Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều là hai thành viên của nhóm thực hiện; còn Đặng Tiểu Bình là một nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa tàn khốc. Bất chấp những ân oán trùng trùng giữa Mao, Vương, Trương, Đặng, vào thời điểm tháng 1.1974, họ đã cùng thống nhất với nhau một mục tiêu bành trướng lãnh thổ, lãnh hải. Đấy là một điểm cần phải lưu ý khi đánh giá các lãnh đạo Trung Quốc, cũng như đánh giá mối quan hệ và lập trường của Trung Quốc - Đài Loan trong vấn đề biển Đông. 














Ngày 17.1.1974, tàu và quân lính Trung Quốc đã lởn vởn nhiều nơi quanh cụm Lưỡi Liềm và phía Việt Nam Cộng Hòa đã điều tàu và quân ra để bảo vệ Hoàng Sa.


Cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 cũng đánh dấu một trong những bước đầu tiên trong chiến lược ba bước của Trung Quốc đối với biển Đông: 1. Kiểm soát (1970-2010); 2. Làm chủ (2011-2025) và 3. Độc chiếm (2026-2050). 

Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo

Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận vơ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, “ngay ngày hôm sau, 12.1.1974, với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã chính thức và cương quyết lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và lên án hành động gây hấn của nước này”, ông Vương Văn Bắc, nguyên là Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa, nhớ lại trong một bài viết được công bố tại Paris vào năm 2007. 

Ông Bắc, là một luật sư, còn cho biết: “Ngày 16.1.1974, cũng với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã gửi công điện cho ông Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để lưu ý Hội đồng Bảo an tới tình hình căng thẳng nghiêm trọng gây ra bởi lời tuyên bố ngang ngược và những hành vi trái phép của Trung Cộng trong vùng Hoàng Sa, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh tại vùng này. Chính phủ VNCH yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban bố mọi biện pháp thích nghi để cải thiện tình hình”.

Lệnh hành quân

Giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang tại Hoàng Sa, song song với các động thái ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã tăng cường chiến hạm ra vùng biển đảo này. Ngày 15.1.1974, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) trực chỉ Hoàng Sa phối hợp với lực lượng quân sự thường trực tại đây sử dụng biện pháp hòa bình để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Trước đó, tàu Hải quân VNCH chỉ đến Hoàng Sa trong những chuyến tuần tra định kỳ; còn lực lượng trú đóng chỉ bao gồm một trung đội Địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang với 24 quân nhân. 

Trung tá Lê Văn Thự, Hạm trưởng HQ-16, kể lại trong một bài viết vào năm 2004: “Ngày 15.1.1974, tàu tôi - HQ-16 - được lệnh ra công tác đảo Hoàng Sa, chở theo một cố vấn Mỹ và một thiếu tá Bộ binh thuộc Quân đoàn I. Tàu khởi hành tối 15.1.1974 và đến Hoàng Sa sáng ngày 16.1.1974. Khi đến nơi, Địa phương quân trên đảo thấy tàu đã lái xuồng ra đón viên thiếu tá Bộ binh lên đảo. Trong khi chờ đợi để đưa thiếu tá Bộ binh về lại Đà Nẵng, tôi vận chuyển tầu rời đảo Hoàng Sa ra biển, thả trôi tàu gần đảo Quang Hòa”. 

Ông Thự còn cho biết khi dùng ống nhòm quan sát đảo Quang Hòa thì thấy “có một dãy nhà sườn gỗ còn đang xây cất dở dang, chỉ có sàn nhà, chưa có mái”và ông đã gọi báo về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Vào trưa 16.1, HQ-16 phát hiện một tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển trong khu vực cụm đảo Lưỡi Liềm.

Lúc bấy giờ, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng đang tuần tra vùng biển gần cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng để chuẩn bị ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lúc rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa, HQ-4 có quân số 170 người và một trung đội Biệt hải quá giang. Công điện hành quân thượng khẩn số 50.356 của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải, sau khi thông báo việc tàu và quân Trung Quốc xâm chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, đã nêu nhiệm vụ: “Lực lượng tham dự hành quân tiến chiếm lại các đảo nói trên khởi sự vào ngày “N”… HQ-16 tiến chiếm lại đảo Money (Quang Ảnh - NV) vào ngày “N” bằng nhân viên cơ hữu… HQ-4 nhận 32 nhân viên biệt hải từ Đà Nẵng vào ngày “N”… đổ bộ chiếm đảo Robert (Hữu Nhật), sau đó là Drummond (Duy Mộng) và Duncan (Quang Hòa)”. Theo thông tin do Hạm trưởng San chia sẻ với Thanh Niên mới đây, thì vào giai đoạn ban đầu, ông là chỉ huy trưởng cuộc hành quân bảo vệ Hoàng Sa, gồm hai tàu HQ-4 và HQ-16. 

Lúc bấy giờ, phía Trung Quốc cũng tăng cường tàu cá và tàu chiến tới khu vực. Một số toán lính của họ cũng được triển khai đổ bộ lên các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm.

Trước tình hình hết sức khẩn trương, Việt Nam Cộng Hòa đã điều thêm hai tàu Trần Bình Trọng (HQ-5) và Nhật Tảo (HQ-10) đến để tăng cường lực lượng bảo vệ đảo. HQ-5 do trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, đến Hoàng Sa vào trưa 18.1; HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đến nơi vào buổi tối cùng ngày (một số tài liệu cho biết HQ-5 và HQ-10 cùng đến Hoàng Sa vào sáng 18.1; dù khác nhau về giờ, nhưng các thông tin đều khẳng định hai tàu này có mặt vào ngày 18.1). 

Đến lúc này, đại tá Hà Văn Ngạc, đi theo tàu HQ-5, thừa lệnh Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải làm chỉ huy trưởng toàn bộ công tác trên mặt biển.

Vờn nhau trước trận chiến

Nhắc lại, sau tuyên bố mạo xưng chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 11.1.1974, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự tại nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhóm lưỡi liềm là một cụm đảo nằm ở góc tây nam quần đảo Hoàng Sa, cho tới thời bấy giờ vẫn do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát; còn cụm đảo An Vĩnh ở đông bắc và đảo Linh Côn ở phía đông đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ thập niên 1950.

Về các hoạt động của Trung Quốc tại nhóm Lưỡi Liềm, sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho hay đến ngày 15.1.1974, Trung Quốc đã đổ quân lên các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond). Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh Thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn ấn hành cũng đưa thông tin tương tự, và cho biết “chiến hạm ta đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu”. Cũng theo tài liệu này, ngày 17.1, vào lúc 7 giờ 45, một tiểu đội xung kích Việt Nam Cộng Hòa đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh mà không gặp sự kháng cự nào. Trên đảo, họ thấy 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu, có thể là bằng chứng ngụy tạo nhằm chứng tỏ người Trung Quốc đã chiếm giữ đảo từ lâu. Toán xung kích này được lệnh nhổ cờ Trung Quốc, phá hủy hết các dấu tích ngoại bang trên đảo. 

Sau khi ra đến khu vực Hoàng Sa vào xế trưa 17.1, HQ-4 đã phối hợp với HQ-16 để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Một số diễn biến căng thẳng đã xảy ra sau đó, khi tàu cá và tàu chiến Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đôi bên dùng loa phóng thanh để tuyên bố chủ quyền và yêu cầu đối phương rời đi. Hạm trưởng Vũ Hữu San kể lại, sau một hồi giằng co không đạt kết quả, ông đã húc mũi tàu HQ-4 vào tàu cá 407 của Trung Quốc, khiến tàu Trung Quốc bị hư hỏng nặng phần buồng lái.

Cuối buổi chiều 17.1, hai chiếm hạm Kronstadt trang bị hải pháo 100 và 37 ly, mang số hiệu 271 và 274, của Trung Quốc xuất hiện. Hai tàu Trung Quốc tiến nhanh về phía HQ-16 và HQ-4 để uy hiếp. Đáp lại, tàu Việt Nam Cộng Hòa sử dụng đèn hiệu để yêu cầu tàu đối phương rời đi. Sau khoảng 60 phút vờn nhau, hai tàu chiến Trung Quốc lui về đậu gần đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Qua ngày 18.1, các chiến hạm Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, mà theo nhận định của phía Việt Nam Cộng Hòa là muốn tái chiếm đảo Hữu Nhật. Trung tá Lê Văn Thự nhớ lại: “Khoảng 10 giờ sáng ngày 18.1.1974, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tôi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, sau đó cho toán người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, tôi vận chuyển HQ-16 bên trong lòng chảo để đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán người nhái lên đảo thì một tàu Trung Cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho tàu tôi tiến gần đến đảo.

Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng tàu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn chung quanh tàu Trung Cộng và làm rách bè nổi của tàu Trung Cộng. Nhờ xáp lại gần, tôi thấy tàu Trung cộng số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của tàu tôi. Tàu Trung Cộng nhỏ hơn tàu tôi nhưng vận chuyển nhanh nhẹn hơn.

Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc những gì xẩy ra. Sau đó tôi lái tàu ra khỏi lòng chảo và đổ bộ toán người nhái vào mặt ngoài biển (mặt nam) của đảo Quang Hòa vào chiều ngày 18.1.1974.

HQ-16 chỉ ở cách xa bờ một, hai hải lý rồi người nhái thả xuồng cao su có trang bị máy mà chạy vào bờ chứ HQ-16 không thể vào sát bờ được vì đá ngầm và san hô. Toán người nhái rời tàu chừng non một tiếng thì gọi máy báo cáo là ở trong bờ bắn ra. Tôi hỏi người liên lạc máy là có thấy người ở trên bờ không và các anh đã lên được bờ chưa? Họ trả lời là đang lội nước ngang ống chân, còn chừng vài chục thước nữa mới tới bờ… 

Vài phút sau thì nghe báo cáo là một thiếu úy người nhái bị bắn chết. Họ xin rút lui vì không thể vào bờ an toàn được. Tôi báo cáo với Đại tá Ngạc và xin cho người nhái rút lui. Toán người nhái đã trở về lại HQ-16”. Viên cố vấn Mỹ mà ông Thự đề cập là Gerald Kosh, một nhân viên của Phòng tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam (DAO).

Trong buổi chiều và tối 18, hai bên ở trong thế kiềm chế lẫn nhau, sử dụng loa, đèn hiệu hoặc di chuyển để đẩy đuổi đối phương. Những diễn biến căng thẳng này vào ngày hôm sau sẽ dâng lên đến đỉnh điểm, trở thành một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt mà kết cục của nó trở nên vô cùng đau đớn cho đất nước Việt Nam. (còn tiếp)

Châu Minh Linh

Nguồn ảnh lấy từ tài liệu: “Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của VNCH” của Cục Tâm Lý Chiến-Tổng Cục CTCT-Quân Lực VNCH năm 1974


Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư của VNCH

Tàu tuần tra HQ-10 Nhật Tảo của VNCH

Chiếc Kronstadt số hiệu 274 của Trung Quốc tham gia Hải chiến Hoàng Sa

Sau khi bắt tay với Mỹ, Mao Trạch Đông đã triển khai kế hoạch bành trướng biển Đông 

Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa tháng 1.1974 

sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa

Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Tương quan lực lượng

Trong trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974, phía Việt Nam Cộng Hòa có 4 tàu chiến, đối đầu với 6 chiến hạm của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp cụm An Vĩnh và đảo Linh Côn ở phía đông bắc và đông quần đảo Hoàng Sa từ thập niên 1950, Việt Nam Cộng Hòa vẫn duy trì hoạt động thực thi chủ quyền thường trực tại cụm Lưỡi Liềm ở miệt tây nam cũng như đảo Tri Tôn, các bãi cát, đảo nhỏ khác. Vào thời điểm tháng 1.1974, trên đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí trung tâm nhóm Lưỡi Liềm có một đơn vị địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trấn đóng, cùng với một vài nhân viên khí tượng, hải dương. Đến khi Trung Quốc ngạo ngược mạo xưng chủ quyền vào ngày 11.1.1974 cũng như gia tăng tàu chiến và tàu cá chở quân nhân tới cụm Lưỡi Liềm, Việt Nam Cộng Hòa điều lần lượt 4 tàu chiến ra bảo vệ Hoàng Sa. 

Đầu tiên là tàu HQ-16, ra tới Hoàng Sa vào sáng 16.1; tiếp theo là tàu HQ-4 đến nơi vào xế trưa 17.1, mang theo một trung đội Biệt hải (thuộc Sở vòng vệ Duyên hải, đóng tại Đà Nẵng). Ngày 18.1, tàu HQ-5 chở theo một đại đội Hải kích (tức lực lượng người nhái thuộc Hải quân) và tàu HQ-10 ra đến Hoàng Sa.

Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa

Như vậy, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa trước trận hải chiến có 4 tàu vũ trang, với các trang bị, tính năng cụ thể như sau:

Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) nguyên là tàu USS Castle Rock biên chế cho Hải quân Mỹ vào năm 1944, sau đó chuyển qua cho Tuần duyên nước này và rồi bàn giao cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971. Tàu dài 94,72 m, rộng 12,52 m, độ choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/giờ). Vũ khí gồm: 1 pháo 127 ly trước mũi; 1 pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; 2 khẩu 40 ly hai bên hông và 2 khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn khoảng 200 người.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) nguyên là tàu USS Chicoteague của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1942, sau đó chuyển giao cho Tuần duyên Mỹ rồi chuyển cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1972. Tàu có đặc tính tương tự HQ-5.

Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. HQ-4 trước đây vốn là tàu hộ tống USS Forster bắt đầu được biên chế vào Hải quân Mỹ năm 1944. Đến năm 1951 nó được chuyển cho Tuần duyên Mỹ và năm 1971 thì bàn giao cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Tàu dài 93 m, rộng 11,15 m, có độ choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/giờ (39 km/giờ); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/giờ. Trang bị của HQ-4 gồm có  2 pháo 76 ly, một số súng 20 ly. Khi chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa, một số trang bị của tàu được thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ mới. Theo ông Lữ Công Bảy, Hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm trưởng khối hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống hải pháo 76 ly của tàu được điều khiển (nạp đạn và bắn) bằng điện. Thủy thủ đoàn gồm 170 người.

Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) vốn là tàu quét mìn USS Serene (AM-300) của Hải quân Mỹ, được hạ thủy vào năm 1943 và chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1964. Tàu dài 56,24 m, rộng 10 m, độ choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/giờ (26 km/giờ). Tàu có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy. 

Phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chuẩn bị một lực lượng dự bị gồm tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ-6) và hộ tống hạm Chí Linh (HQ-11). Có thông tin là các phi đoàn phản lực F-5 và A-37 được lệnh trực chiến ở Đà Nẵng để thực hiện chiến dịch yểm trợ trên không.

Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là cách gọi các loại tàu chiến dưới thời Việt Nam Cộng Hòa khá đặc biệt. Tuần dương hạm là loại tàu lớn nhất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thực ra là tàu cũ của Mỹ, có độ choán nước khá nhỏ và khả năng đại dương, hỏa lực hữu hạn, khác với khái niệm “tuần dương hạm” (cruiser) phổ biến của thế giới, vốn chỉ loại tàu chiến có choán nước trên 9.000 tấn và hỏa lực cực mạnh.

Lực lượng xâm lược của Trung Quốc

Sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho biết phía Trung Quốc có tổng cộng 11 tàu các loại, trong đó có hai tàu săn ngầm Kronstadt mang số 271 và 274; 2 chiếc tàu rà mìn T-43 mang số 389 và 396 là có hỏa lực đáng kể. Các tàu còn lại là tàu chở quân hoặc tàu cá được vũ trang. Cuối trận hải chiến, Trung Quốc còn điều thêm hai tàu Kronstadt (281 và 282) nữa.

Tàu hộ tống săn ngầm Kronstadt do Liên Xô sản xuất, kích thước tiêu chuẩn: dài 52 m, rộng 6,5 m, choán nước tối đa 380 tấn và vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ (39 km/giờ). Tàu được trang bị 1 pháo 100 ly ở sân trước và 2 súng 37 ly ở sân sau, 2 giàn bom lặn chống ngầm và 2 giàn thả mìn. Thủy thủ đoàn chừng 60 người.

Tàu rà mìn T-43 cũng do Liên Xô sản xuất, với kích thước chuẩn: dài 58 m, rộng 6,1 m, choán nước tối đa 610 tấn và vận tốc tối đa 17 hải lý/giờ (27 km/giờ). Tàu được trang bị pháo 85 ly. 

Bên cạnh đó, theo một số nguồn thông tin chưa kiểm chứng, Trung Quốc còn có lực lượng dự phòng gồm 4 xuồng tên lửa cao tốc lớp Komar do Liên Xô sản xuất; một số tàu khu trục, săn ngầm và một số lượng khá lớn máy bay MiG đóng tại đảo Hải Nam. Về khả năng Trung Quốc điều tàu tên lửa và cho máy bay không kích cụm đảo Lưỡi Liềm thì Thanh Niên Online sẽ có bài viết riêng. Ở đây, chúng tôi chỉ tạm đưa ra những thông tin chưa thể xác minh về lực lượng dự bị để bạn đọc tham khảo. 

Tương quan

Theo đánh giá của những người trong cuộc, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa có vẻ nhỉnh hơn về mặt “tàu to súng lớn”. Cụ thể, các tuần dương hạm HQ-5 và HQ-16 có đại bác 127 ly, trong khi súng pháo lớn nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 100 ly. Tàu của Việt Nam Cộng Hòa lớn hơn nhiều so với tàu của đối phương, do đó có sức chịu đựng lớn hơn. Tàu hộ tống Nhật Tảo (HQ-10), chiếc có hỏa lực yếu nhất và là chiếc nhỏ nhất của phía Việt Nam Cộng Hòa, khi đem so sánh với tàu Trung Quốc thì cũng đã tương đương, chỉ kém về tốc độ.

Về quân số binh sĩ, có vẻ như phía Trung Quốc chiếm ưu thế, vì họ có một số tàu cá chở quân nhân, tàu chở quân. Lực lượng dự phòng của họ cũng có thể được tăng cường từ cụm đảo An Vĩnh, cách cụm Lưỡi Liềm vài chục hải lý. Tài liệu CIA mới được giải mật gần đây cho biết vào thời điểm trước trận hải chiến, Mỹ đã phát hiện Trung Quốc có hoạt động xây dựng hạ tầng ở đảo Phú Lâm thuộc cụm An Vĩnh.

Theo cuốn Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San (cựu hạm trưởng HQ-4) và Trần Đỗ Cẩm, trong một trận hải chiến khi đôi bên gần nhau, cỡ súng lớn chưa chắc đã chiếm được lợi thế vì không tận dụng được tầm bắn xa, hơn nữa nhịp bắn lại chậm. Phần các chiến hạm Trung Quốc có vận tốc cao lại nhỏ nhẹ dễ vận chuyển nên chiếm được ưu thế trong lúc cận chiến, đặc biệt là trong một khu vực có nhiều đá ngầm, bãi cạn như Hoàng Sa. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa không những vừa to, cao lại xoay trở tương đối chậm nên là mục tiêu rất dễ dàng cho địch thủ nhắm bắn. 

Theo tác giả Trần Đỗ Cẩm, do các chiến hạm Trung Quốc nằm rất thấp gần sát mặt nước nên rất khó bắn trúng. Trong khi các khẩu hải pháo Việt Nam Cộng Hòa nằm trên cao nên xoay trở rất khó khăn, có khi phải hạ cao độ xuống dưới đường chân trời mới có thể nhắm trúng mục tiêu nằm gần. Các chiến hạm Trung Quốc thấp hơn nên dễ dàng nâng cao độ của đại bác chừng dăm ba độ là đã có thể tác xạ hữu hiệu.

“So sánh những sở trường và sở đoản của từng loại chiến hạm, trong trận hải chiến một chọi một tại Hoàng Sa, lực lượng đôi bên có vẻ tương đồng, việc hơn thua phần lớn sẽ do các cấp chỉ huy và tinh thần của thủy thủ đoàn quyết định. Tuy nhiên, kể về lực lượng trừ bị ứng chiến, phía Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối, nhất là về mặt không yểm”, theo Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa. 

Châu Minh Linh


Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc

Sau nhiều ngày giằng co, cuối cùng súng đã nổ trên biển Hoàng Sa. Trận hải chiến chỉ diễn ra trong hơn 30 phút (không kể các cuộc đụng độ trên đảo), nhưng thời gian ngắn ngủi đó đã để lại cho tất cả người Việt Nam những mất mát vô cùng.

Hải chiến Hoàng Sa thực sự đã diễn ra như thế nào thì thật khó có một tường thuật chính xác. Đến nay, nhiều tài liệu quan trọng của Trung Quốc chưa được giải mật, ngoài những tài liệu được tô vẽ để phục vụ mục đích tuyên truyền. Phía chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã công bố nhiều tài liệu ngay sau trận hải chiến với mục đích tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc, nhưng chỉ lược thuật khái quát trận đánh nên người đọc khó nắm bắt một cách chi tiết. 

Nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia trận đánh cũng đã kể lại diễn biến, nhưng đều giới hạn trong góc nhìn của cá nhân, những quan sát có được từ vị trí người đó đứng trong trận chiến, cộng thêm một số tài liệu mà người đó thu thập được. Các hồi ức cá nhân này đôi khi mâu thuẫn nhau, khiến những người chỉ tìm hiểu trận đánh qua sách vở đôi khi bối rối.

Trong loạt bài này, chúng tôi tổng hợp nhiều nguồn, gồm tài liệu của Bộ Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa, các sách viết về Hải chiến Hoàng Sa xuất bản ở hải ngoại, các bài viết đăng tải trên mạng, tài liệu lưu trữ tại Việt Nam cũng như phỏng vấn - trực tiếp và gián tiếp - một số nhân chứng là cựu quân nhân từng tham gia trận đánh.

Đổ bộ giành lại đảo

Hồi ức của các cựu hạm trưởng Vũ Hữu San và Lê Văn Thự đều cho biết tàu Việt Nam Cộng Hòa chủ động nổ súng vào tàu xâm lược Trung Quốc.

Ông Lê Văn Thự, cựu hạm trưởng HQ-16, nhớ lại: “Chiều ngày 18.1.1974, khoảng 6 giờ, đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa...

Đến tối ngày 18.1.1974, máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi đại tá Ngạc, HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý.

Sau khi nhận lệnh, tôi nghĩ chỉ còn cách đổ bộ toán người nhái vào ban đêm mới may ra lên được đảo, nhưng chưa chắc toán người nhái đã vào trót lọt được vì có thể tàu Trung Cộng theo dõi và liên lạc chỉ điểm cho người của họ trên đảo canh chừng để bắn khi người nhái vào bờ... Vì thế, muốn thi hành lệnh của đại tá Ngạc, tôi nghĩ chỉ còn cách là phải tiêu diệt tàu Trung Cộng trước rồi mới tính chuyện đổ bộ người nhái lên đảo sau”.

Ông Thự kể rằng lúc này phía Trung Quốc điều thêm hai tàu nữa. Ông liền gọi cho thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ-10, để bàn kế hoạch. Theo đó, HQ-10 và HQ-16 sẽ rời xa các đảo trong đêm, tắt hết ánh sáng trên tàu để địch không biết vị trí, vào sáng sớm sẽ tiến vào vùng lòng chảo bên trong cụm Lưỡi Liềm để tấn công chiến hạm Trung Quốc. 

Sáng sớm 19.1.1974, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tiến vào vùng lòng chảo giữa cụm đảo. Theo hồi ức của Hạm trưởng San, lúc bấy giờ bốn tàu chiến của Trung Quốc mang các số hiệu 389, 396, 271 và 274 cũng tiến ra nghênh chiến. Lúc 6 giờ 48 phút, lực lượng đổ bộ bắt đầu được triển khai: toán Biệt hải trên HQ-4 đổ bộ mặt nam đảo Quang Hòa, toán Hải kích trên HQ-5 đổ bộ mặt tây nam đảo. Khi tiến vào đảo, họ đã bị quân Trung Quốc nấp trong công sự bắn ra. Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đáp trả bằng súng phóng lựu M.79 và tiểu liên M.16. Cuộc cận chiến trên đảo khiến trung úy Lê Văn Đơn và một thành viên tên Long của toán Hải kích tử trận, 2 thành viên khác bị thương. Toán Biệt hải cũng bị lực lượng Trung Quốc đông đảo uy hiếp. Đến khoảng 9 giờ 30, trước tình hình bất lợi, các lực lượng đổ bộ rút về tàu, mang theo những người bị thương và thi thể người tử trận. Như vậy, nỗ lực đổ bộ giành lại quyền kiểm soát tại đảo Quang Hòa của Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại. 

Cũng theo tường thuật trong sách của cựu Hạm trưởng Vũ Hữu San và tác giả Trần Đỗ Cẩm, từ 10 giờ 17 cho tới 10 giờ 24, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa di chuyển chiến thuật để lập một vòng cung phía tây đảo Quang Hòa. Phân đội bắc gồm HQ-16 và HQ-10 di chuyển tới tây bắc đảo, phân đội nam gồm HQ-5 và HQ-4 di chuyển tới phía tây đảo. Bốn tàu Trung Quốc lập tức bám theo. 


Chủ động khai hỏa

Trận hải chiến chính thức khởi sự vào lúc 10 giờ 22 phút sáng 19.1. Theo Hạm trưởng Vũ Hữu San, sau khi mệnh lệnh tác xạ của đại tá Hà Văn Ngạc được truyền đi từ trung tâm chỉ huy đặt trên HQ-5, tất cả các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa đồng loạt nổ súng vào tàu Trung Quốc.

“Lúc bấy giờ, tôi đứng trên đài chỉ huy với Hạm trưởng San, nghe có lệnh bắn truyền xuống, ông hạm trưởng hét ‘bắn!’ đồng thời ổng điều chiếc tàu chạy quanh quanh để tránh đạn. Ngay thời khắc đầu tiên, do bị bất ngờ nên quân Trung Quốc thiệt hại nặng”, 40 năm sau cuộc chiến, ông Lữ Công Bảy, hạ sĩ quan giám lộ tàu HQ-4, kể lại với phóng viên Thanh Niên Online. 

Do mục tiêu nằm trong tầm bắn nên các loại súng pháo 20 ly và 40 ly bắn rất hiệu quả, theo sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm. Tuy nhiên, các khẩu 76 ly của HQ-4 và 127 ly của HQ-5, HQ-16 có tốc độ bắn chậm hơn trong khi tàu Trung Quốc nhỏ bé và di chuyển rất linh hoạt thành ra rất khó ngắm trúng mục tiêu. Trong các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có pháo của HQ-4 là điều khiển bằng điện; còn lại đều là hệ thống quay tay khá cổ điển nên việc “bắt chết mục tiêu” gặp nhiều trở ngại. HQ-10 là chiến hạm nhỏ nhất và chỉ còn một máy chính hoạt động nên xoay trở rất khó, giàn ra đa lại bị hỏng nên nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy nan.

“Lúc đó chính mắt tôi thấy rõ ràng chiếc tàu bên trái của Trung Quốc bị dính đạn. Một cụm lửa bùng lên rất to. Chiếc tàu mất hẳn trên màn hình ra đa. Có lẽ nó chìm tại đó luôn. Chiếc còn lại thì đâm đầu vô đảo chứ không dám rượt theo mình”, ông Bảy kể. Nhưng cùng lúc, phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu tổn thất lớn lao. Chỉ khoảng 10 phút sau khi khai hỏa, HQ-10 đã bị loại khỏi vòng chiến. “Qua bộ đàm, bạn tôi là Vương Thương báo cáo HQ-10 trúng hai phát đạn pháo của Trung Quốc, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận và hạm phó bị thương. Anh em trên đài chỉ huy HQ-10 toàn bộ đều bị thương hoặc chết. Sau đó thì không thể liên lạc được, chắc bên đó không còn ai giữ máy bộ đàm”.

Ba chiếc tàu còn lại của Việt Nam Cộng Hòa cũng dính đạn, trong đó nghiêm trọng nhất là HQ-16 bị trúng một quả đại bác vào hầm máy phải, nước tràn vào khiến tàu nghiêng hẳn. Lúc bấy giờ, do Trung Quốc phá sóng truyền tin tầm xa nên việc liên lạc giữa tàu và Đà Nẵng là bất khả thi; các tàu chỉ có thể liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm cầm tay PRC-25 khi ở cự ly gần.

Sau khoảng 30 phút kể từ khi tàu Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa, tình trạng lúc này là: phía Việt Nam Cộng Hòa có một tàu bị bắn cháy, nhiều người chết và bị thương; HQ-16 và HQ-5 hư hại khá nặng, HQ-4 cũng dính đạn nhưng hoạt động còn tốt. Phía Trung Quốc có một tàu bị bắn cháy, các tàu còn lại hư hại nặng, tổn thất nhân mạng không thể biết.

Theo tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của chính quyền Sài Gòn cũng như hồi ức của cựu Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San, đại tá Hà Văn Ngạc - chỉ huy trưởng chiến dịch trên biển - và một số người trong cuộc khác, trận hải chiến kết thúc vào lúc khoảng 11 giờ trưa 19.1.1974. Lúc này, Trung Quốc đang điều thêm tàu đến tiếp viện, trong đó có xuồng cao tốc Komar trang bị tên lửa. Nhận thấy tình hình quá bất lợi, phía Việt Nam Cộng Hòa đã ra lệnh triệt thoái các tàu còn lại về Đà Nẵng

Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó rơi vào tay giặc.

Tường thuật Lê Văn Thự (cựu Hạm trưởng HQ-16) năm 2004 tại Mỹ

Trong suốt trận hải chiến vào sáng 19.1.1974, ông đã không hề biết tàu HQ-4 và HQ-5 ở đâu và cũng không liên lạc được với đại tá Hà Văn Ngạc, là chỉ huy cao nhất tại hiện trường.

 “Chiều ngày 18.1.1974, khoảng 6 giờ, đại tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa. Sau khi đại tá Ngạc ra lệnh này xong, thì từ đó về sau tôi không còn nghe lệnh lạc gì thêm từ đại tá Ngạc nữa.

Đến tối ngày 18.1.1974, máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi đại tá Ngạc, HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý…

Sáng 19.1.1974, HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo như dự định (lòng chảo ở đây là khu vực đầm nước sâu, bao quanh bởi các đảo ở cụm Lưỡi Liềm; tàu lớn chỉ có hai lối vào được lòng chảo này). Tôi gọi máy cho thiếu tá (Ngụy Văn) Thà và nói là chừng nào thấy tôi khai hỏa là phải khai hỏa theo liền.

Khi HQ-16 và HQ-10 vừa qua khỏi hai cái “pass” (lối vào lòng chảo) và vừa tầm súng, tôi quay ngang tàu HQ-16 đưa phía hữu hạm của HQ-16 hướng về ba tàu Trung Cộng. Mục đích của tôi là để tận dụng tất cả súng từ mũi ra sau lái. Nếu hướng mũi tàu về phía tàu Trung Cộng thì chỉ sử dụng được hỏa lực ở phía trước mũi thôi. Xoay ngang tàu thì có lợi thế sử dụng tối đa hỏa lực nhưng cũng có cái bất lợi là hứng đạn của địch nhiều hơn. Nhưng vì tôi đánh phủ đầu tàu Trung Cộng nên phải sử dụng tối đa hỏa lực. So với tàu Trung Cộng, tàu tôi có đủ loại súng tàu Trung Cộng có, ngoài ra còn có thêm khẩu 127 ly mà tàu Trung Cộng không có. HQ-10 chỉ có hỏa lực ngang bằng tàu Trung Cộng.

Khi đang tiến vào lòng chảo, tôi đã mừng thầm khi thấy ba tàu Trung Cộng đều ở trong lòng chảo, tức là những mục tiêu tốt cho HQ-16 và HQ-10 tác xạ...

Khi đã ở đúng vị trí và vị thế dự định, HQ-16 cách HQ-10 chừng một hải lý, và hai tàu HQ-16 và HQ-10 cách ba tàu Trung Cộng từ 3 đến 4 hải lý, tôi ra lệnh lần chót: Các ổ súng phải luôn luôn theo dõi mục tiêu, mục tiêu nào thuận lợi thì bắn mục tiêu đó. Sau khi hỏi tất cả các ổ súng đã sẵn sàng chưa, tôi ra lệnh khai hỏa…

Tôi hy vọng trong 5, 10 phút là triệt hạ được tàu Trung Cộng vì khai hỏa trước và sử dụng tối đa hỏa lực trong khi tàu Trung Cộng bị tấn công bất ngờ...

Mười phút trôi qua mà chưa thấy tàu Trung Cộng hề hấn gì, tôi bắt đầu sốt ruột, trong khi đó tôi nghe tiếng lách tách, lép bép trên trời như tiếng pháo bông, giữa tàu tôi và HQ-10 và về phía HQ-10 nhiều hơn... Trận chiến vẫn tiếp tục. Chừng khoảng phút thứ 20 hay 30, tôi thấy một tàu Trung Cộng bốc khói, một tàu khác có lẽ bị trúng đạn làm hư hệ thống tay lái nên tàu cứ xoay quanh như gà trống chạy lòng vòng trước khi đạp mái.

Tiếp đến HQ-10 báo cáo hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, 5 cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số nhỏ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã nhảy xuống biển...

Sau đó hầm máy hữu HQ-16 báo cáo trúng đạn ở lườn tàu dưới mặt nước. Nước tràn vào tàu... Chừng vài phúa sau, tàu bắt đầu nghiêng. Hầm máy báo cáo lỗ thủng bít không được vì nước vào quá mạnh, chỗ thủng nằm trong kẹt... Tôi ra lệnh nếu không bít được lỗ thủng thì đóng nắp hầm máy lại đừng cho nước tràn ra khỏi hầm máy…

Tàu chỉ còn một máy tả và một máy điện, phòng vô tuyến liên lạc truyền tin bị gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy tình thế không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, tôi vận chuyển tàu quay trở ra theo cái “pass” để rời lòng chảo.

… Hầm máy hữu báo cáo nhân viên phải rời hầm máy vì tàu sắp chìm. Thấy độ nghiêng của tàu đến mức gần hết độ an toàn, có thể tàu sẽ lật nên tôi ra lệnh: Toàn thể nhân viên vào nhiệm sở đào thoát vì sợ họ không còn thì giờ đào thoát kịp. Ra lệnh xong, tôi nắm lấy tay lái tiếp tục lái thay cho nhân viên ra nhiệm sở.

Trong khi tôi đang lái thì đại úy Hiệp, cơ khí trưởng, chạy lên đài chỉ huy, nói với tôi: “Vì sao hạm trưởng cho nhiệm sở đào thoát? Tôi đang ráng làm cân bằng tàu”. Tôi nói là tàu mỗi lúc một nghiêng thêm, không biết sẽ lật chìm lúc nào nên phải chuẩn bị đào thoát.

Lúc này tàu nghiêng đã đến độ bão hòa (không nghiêng thêm nữa) vì nước đã vào đầy hầm máy. Tôi cho giải tán nhiệm sở đào thoát và vào lại nhiệm sở tác chiến. Lúc này ở đài chỉ huy có trung úy Đoàn Viết Ất, tôi nói với trung úy Ất: “Tàu nghiêng như thế này, khó mà lái ra biển an toàn được, chắc tôi phải ủi tàu vào đảo khí tượng (đảo Hoàng Sa) để cố thủ và chờ HQ-4, HQ-5 tiếp viện”.

Trung úy Ất nói với tôi: “Xin hạm trưởng đừng ủi tàu vào đảo khí tượng. Mình sẽ bị Trung Cộng bắt làm tù binh. Làm tù binh Trung Cộng thì kể như chết rục xương trong tù, không còn thấy cha mẹ, vợ con, quê hương xứ sở. Xin hạm trưởng cứ lái ra biển. Tàu có chìm thì đào thoát vẫn còn cơ may sống sót. Nếu chết thì chết trên biển vẫn sướng hơn”. Bây giờ viết lại câu nói này của trung úy Ất, tôi vẫn còn xúc động đến chảy nước mắt...

Ra khỏi “pass”, tôi hướng tàu về Đà Nẵng, lúc này khoảng 5 - 6 giờ chiều ngày 19.1.1974. Tàu chỉ còn một máy và nghiêng nên chạy chậm... 

Lúc này hệ thống truyền tin vừa được sửa chữa xong. Nhân viên vô tuyến báo cáo tình trạng chiến hạm về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải nhưng không thấy HQ-5, HQ-4 lên tiếng… Sáng 20.1.1974, khoảng 7 - 8 giờ, tàu vào vịnh Tiên Sa Đà Nẵng…”.

Cũng theo trung tá Thự, viên đại bác bắn thủng tàu HQ-16 té ra là loại đạn 127 ly của tàu HQ-5; có lẽ trong lúc nóng bỏng, HQ-5 bắn nhầm vào tàu đồng đội.

Thanh Niên Online 

Tường thuật Carl O. Schuster- một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu trong ngành tính báo quân sự- Historynet, 06/2017

Nguồn: Carl O. Schuster, “Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06/2017.

Biên dịch: Lê Đỗ Huy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày 11/01/1974, các sĩ quan Nam Việt Nam nhận được báo cáo về những động thái của Trung Quốc trên hai hòn đảo của Nam Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn phái hai tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 và Trần Khánh Dư HQ-4 tới thám sát.

HQ- 16 tới đảo Hữu Nhật (Robert Island) vào 16/1 và nhận thấy đảo này đã bị “ngư dân” Trung Quốc, từ hai thuyền đang neo tại bãi ven đảo, chiếm đóng. Chỉ huy tàu HQ – 16 lệnh cho những người Trung Quốc rời đảo và bắn thị uy để họ hiểu ý định của ông. Sau đó họ bắn và phá hủy các lá cờ Trung Quốc và một khu vực chế biến cá mà những “người đánh cá” triển khai 6 ngày trước đó. HQ – 4 tới Hoàng Sa ngày 17/1 và phái một đơn vị đặc nhiệm SEAL của Nam Việt Nam lên đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh (Money Island) gần đó để nhổ những cờ Trung Quốc. Ngày 18/1, hai tàu chiến của Nam Việt Nam đuổi một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, buộc con tàu bị phá hủy nặng nề này phải rời vùng biển. Sau đó các tàu khu trục Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu quét mìn Nhật Tảo HQ-10 tới Hoàng Sa.

Sài Gòn nghĩ rằng đã chặn được nỗ lực trong suốt 6 tháng liền của Bắc Kinh nhằm chiếm nửa phía tây của Hoàng Sa. Những “ngư dân” có vũ trang của Trung Quốc trước đó hầu như đã đẩy được các ngư dân Nam Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa, và ít nhất có hai tàu đánh cá Trung Quốc đã bị phát hiện đang hoạt động tại vùng nước mà Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng biến động gần nhất này của Trung Quốc lại là khởi đầu của một giai đoạn mới trong nỗ lực nhằm chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Lần này, những “ngư dân” Trung Quốc là thành viên của lực lượng Dân quân biển  – một lực lượng bán vũ trang của Hải quân Trung Quốc.

Hai chiếc tàu cá gần đảo Hữu Nhật báo cáo về Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Ngày 16/1, Bộ Tư lệnh Hạm đội ra lệnh cho hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt đóng tại đảo Hải Nam tháp tùng lực lượng dân quân biển tới hiện trường, về mặt công khai là để bảo vệ ngư dân Trung Quốc, nhưng chủ yếu là để tập trung binh lực. Trung Quốc cũng hạ lệnh triển khai hai tàu quét ngư lôi. Bắc Kinh quyết định giải quyết tranh chấp tại Hoàng Sa bằng vũ lực nếu thời cơ cho phép.

Quần đảo Hoàng Sa gồm 130 đảo san  hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý). Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) là khoảng 3 dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành Nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và Nhóm đảo Lưỡi liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm An Vĩnh là lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng 530 mẫu Anh.

Cho dù những tuyên bố chủ quyền của cả Việt Nam và Trung Quốc đều có từ các triều đại phong kiến xa xưa, gốc rễ của sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Nam Việt Nam gắn với những năm 1930 và các tham vọng của thực dân Pháp. Nước Pháp, cường quốc đô hộ Việt Nam từ 1858, đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 1932 nhưng từ đầu không quan tâm đến việc chiếm giữ các đảo này trên thực tế. Điều này thay đổi vào năm 1937 khi cuộc chiến của Nhật Bản với Trung Quốc – vốn bắt đầu từ năm 1931 với việc Nhật chiếm Mãn Châu Lý –  leo thang khi Nhật tiến quân sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Người Pháp lo Trung Quốc hay Nhật sẽ chiếm các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) nên đã đặt một trại lính gồm khoảng 100 lính Pháp và Việt tại đảo Phú Lâm vào năm 1938 như một khu đệm để mở rộng chu vi phòng thủ cho các thuộc địa Đông Dương của Pháp.

Nhà cầm quyền Anh ủng hộ bước đi này của Pháp vì nó mở rộng phạm vi phòng thủ của thuộc địa Malaya của Anh. Cả hai cường quốc châu Âu này cho rằng cuộc chiến tranh của Nhật chống Trung Quốc chỉ là bước đi ban đầu của kế hoạch chiếm các thuộc địa của châu Âu ở Đông Nam Á. Nhưng thay vì răn đe hành động của Nhật trên Biển Đông, việc đồn trú tại Hoàng Sa của Pháp lại khiêu khích Nhật. Nhật cho một đơn vị nhỏ lính thủy đánh bộ đổ bộ lên đảo Phú Lâm chỉ một tháng sau khi Pháp cho quân đồn trú. Quân đồn trú trên đảo đầu hàng, không nố súng chống lại. Nhật sáp nhập Trường Sa và Hoàng Sa vào năm 1941, tuyên bố chúng thuộc Đài Loan, đảo đang bị Nhật chiếm đóng lúc đó.

Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật ngày 6 và 9/8/1945, Tokyo bắt đầu rút quân khỏi các quần đảo này. Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Hoa chiếm nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite) hai tháng sau đó, và đặt một đồn trên đảo Phú Lâm vào tháng Giêng 1946. Pháp sau đó do không đẩy được quân Quốc dân Đảng ra khỏi Nhóm đảo An Vĩnh bằng một cuộc biểu dương lực lượng hải quân đành tuyên bố chủ quyền đối với Nhóm đảo Lưỡi liềm và đổ bộ một trung đội lê dương lên đảo Hoàng Sa (Pattle) để ngăn quân Quốc dân Đảng chiếm đóng đảo này.

Chính phủ Quốc dân Đảng lặp lại yêu sách đối với toàn bộ Biển Đông năm 1947, xuất bản một bản đồ đưa các yêu sách lãnh thổ vào khuôn khổ một “đường chín đoạn” dọc vành ngoài của Biển Đông. Năm 1949, quân Trung Cộng đẩy chính quyền Quốc dân Đảng ra Đài Loan. Nhật Bản từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951, nhưng không giao quyền kiểm soát của mình cho bất cứ một bên có yêu sách cụ thể nào khác, đẩy vấn đề sở hữu các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) rơi vào tình trạng không được giải quyết. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng họ thừa kế các yêu sách đối với Biển Đông từ chính phủ Quốc dân Đảng.

Mặc dù vậy Nam Việt Nam đã chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi liềm từ năm 1954 và đặt một lực lượng đồn trú nhỏ trên ba hòn đảo. Trung Cộng giành quyền kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Ngư dân Trung quốc đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) năm 1959 nhưng phía Nam Việt Nam đã đuổi họ đi.

Khi Chiến tranh Việt Nam leo thang, Sài Gòn, tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ, đã rút các đơn vị đồn trú của mình. Tới năm 1967, sự hiện diện của Nam Việt Nam tại quần đảo chỉ còn một trạm khí tượng. Trung Quốc tỏ ra chấp nhận nguyên trạng.

Hai biến chuyển trong tình hình những năm 1970 đã thay đổi bàn cờ Biển Đông: các báo cáo về trữ lượng dầu tại thềm lục địa vùng này xuất hiện vào giữa năm 1972, và Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam chấm dứt sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Các lãnh đạo châu Á đột nhiên nhận thấy tranh chấp Biển Đông không chỉ là một vấn đề chính trị và hành chính, mà còn là vấn đề phát triển kinh tế. Nhóm thân cận với Mao tính toán rằng những phần thưởng về kinh tế lớn hơn những rủi ro xảy ra xung đột quân sự. Vả lại, những rủi ro đang giảm xuống.

Mao nhận thấy một chính phủ Mỹ đang rút chân khỏi Nam Việt Nam sẽ thiếu ý chí dấn vào một cuộc xung đột khác, lại đang mong được Trung Quốc hỗ trợ chống lại một Liên Xô đang ngày càng thách thức hơn. Nguyên thủ Trung Quốc kết luận rằng chế độ Sài Gòn khó có khả năng được Mỹ hỗ trợ, và sự tồn tại của nó cũng đang được tính bằng ngày. Nhóm thân cận với Mao cũng hiểu rằng Bắc Việt Nam vẫn còn cần viện trợ của Trung Quốc trong nỗ lực chiến thắng Nam Việt Nam, đồng thời đồng minh khác của Hà Nội là Liên Xô không có lực lượng trên địa bàn này để cản trở Trung Quốc hành động đối với các đảo (trên Biển Đông). Mao ra lệnh tiến hành một loạt những bước đi nhằm ép Nam Việt Nam từ bỏ Hoàng Sa.

Không biết các ý định của Bắc Kinh, Sài Gòn tuyên bố quyền kiểm soát về hành chính tại nhóm đảo Lưỡi liềm vào tháng 8/1973 và một tháng sau cho phép thực thi các hợp đồng thăm dò dầu khí tại các vùng nước quanh nhóm đảo này. Cuộc đột nhập đầu tiên của đội tàu đánh cá của Trung Quốc xảy ra vào cuối tháng 7. Một số “ngư dân” có vũ trang, và ít nhất một tàu trong số này là loại bọc thép, nhưng chúng rút ngay mỗi khi các đơn vị Hải quân Nam Việt Nam tới. Sài Gòn triển khai các đơn vị đồn trú có quân số khoảng một trung đội trên ba hòn đảo thuộc nhóm đảo này.

Tháng 10/1974, các tàu đánh cá lưới rà số 402 và 407 của Trung Quốc đưa thủy thủ đoàn đổ bộ lên đảo Quang Hòa, thiết lập một trạm cung cấp, hầm hào, và cắm cờ Trung Quốc khắp trên đảo. Nam Việt Nam bắt giữ một số tàu đánh cá Trung Quốc vào tháng 11 cùng thủy thủ đoàn của chúng. Các thủy thủ Trung Cộng bị đưa về Đà Nẵng nơi họ phải thú tội trên truyền hình về các hành động phạm pháp và các tội ác đối với nhân dân Việt Nam trước khi được thả. Nhưng những vụ tàu đánh cá Trung Quốc tấn công dân chài Việt Nam tiếp tục diễn ra. Cùng kỳ, Mao ra lệnh cho Hải quân Trung Quốc chuẩn bị hành động quân sự để hỗ trợ các ngư dân Trung Quốc.

Ngày 10/01/1974, một nhóm ngư dân Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá tại đảo Hữu Nhật thuộc nhóm đảo Lưỡi liềm. Nhóm này đã bị các dân chài Việt Nam phát hiện 3 ngày trước, nhưng họ không thông tin được cho nhà cầm quyền Nam Việt Nam cho tới khi về tới Đà Nẵng hôm 11/01/1974. Cùng ngày, Bắc Kinh ra tuyên bố nhắc lại chủ quyền không thể tranh cãi của nước này đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như bãi ngầm Macclesfield, một đảo san hô vòng cách quần đảo Hoàng Sa 70 hải lý về phía Đông.

Nhận thấy những ý đồ của Bắc Kinh, Sài Gòn cử các tàu khu trục HQ-16, HQ-4, HQ-5, và tàu quét thủy lôi HQ-10 chở đội đặc nhiệm SEAL đến đảo Hữu Nhật. Hai trong số các tàu khu trục trên là thủy phi cơ đời Thế chiến II được cải tiến, tháo bỏ các thiết bị hỗ trợ thủy phi cơ, còn chiếc thứ ba là tàu khu trục hộ tống được cải tiến. Tất cả chúng ở trong tình trạng kém, thường xuyên xảy ra các vấn đề về kỹ thuật và vũ khí, khiến tốc độ và hỏa lực đều bị hạn chế.

Đến nơi vào ngày 16/1, các tàu chiến của Nam Việt Nam đã nhanh chóng đuổi các ngư dân Trung Quốc đi. Tàu đánh cá (TQ) số 407 báo cáo sự việc HQ-16 tới lên Bộ chỉ huy dân quân biển tại Du Lâm trên đảo Hải Nam ngay sáng 16. Điện báo này về tới Bắc Kinh vài giờ sau.

Chiều tối hôm đó, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phái hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 đón một đại đội dân quân biển gồm bốn trung đội (mỗi trung đội 10 người) từ đảo Phú Lâm đưa sang Nhóm đảo Lưỡi liềm. Bắc Kinh cố gắng tăng viện cho quân của họ, nhưng giống như đối phương, tàu chiến của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng tồi tệ.

Cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc – một cuộc thanh trừng chống các ảnh hưởng phi chủ nghĩa xã hội và các đối thủ của Mao – đã làm hư hoại gần như hoàn toàn các xưởng đóng tàu của nước này. Hơn 2 triệu nhà khoa học, kỹ sư, nhà giáo, công nhân lành nghề, cán bộ hành chính bị tù đày hoặc giết chết, gồm cả những người đã đóng và bảo dưỡng tàu bè của nước này cũng như mạng lưới đường sắt chuyển vật tư tới các xưởng đóng tàu.

Kết quả là tàu chiến tốt nhất của Hải quân Trung Quốc, các khu trục hạm loại Type 065 đã không thể khởi hành. Còn chiếc 271 vừa xuất xưởng và chưa hoàn tất việc chạy thử trên biển, và chiếc 274 với động cơ diesel ở tình trạng kém, không thể đạt tốc độ 18 hải lý/giờ. Vậy mà chúng vẫn nhanh hơn, được trang bị tốt hơn các tàu của hải quân Nam Việt Nam. Hai chiếc tiêm kích Thẩm Dương J-6, bản copy của MIG – 19 do Liên Xô sản xuất, yểm hộ đường không cho các tàu săn ngầm, nhưng không có năng lực hoạt động tầm xa đủ để trực chiến trên đầu các tàu khi chúng nhập cuộc sáng 17/1.

Vào rạng sáng 18/1, hai tàu Trung Quốc đã đưa được một trung đội dân quân biển lên đảo Duy Mộng, một trung đội khác lên đảo Quang Hòa tây, và hai trung đội lên đảo Quang Hòa. Các trung đội này lập tức tiến hành đào hầm hào và đặt mìn và bẫy phía trước trận địa của họ. Hai tàu rà thủy lôi loại Type 10 đóng ở Quảng Châu, mang số hiệu 389 và 396, được lệnh tăng cường cho các tàu săn ngầm loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274. Chúng cũng đến nơi vào cuối buổi sáng hôm đó.

Hai chiếc tàu chiến khác có thể hoạt động được lúc đó của Trung Quốc là hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam được điều từ Sán Đầu, cách đó khoảng 476 hải lý. Chúng tiến về Hoàng Sa với tốc độ tối đa, được tiếp dầu ở Trạm Giang, phía nam Hồng Kông, và tại Du Lâm. Các tàu chiến này được lệnh hỗ trợ các thuyền đánh cá của dân quân biển với điều lệnh chiến đấu “không gây sự; không bắn trước; nhưng nếu lâm chiến, phải thắng”.

Vào sáng sớm 19/1, hạm trưởng chia tàu của Trung Quốc thành hai nhóm: tốp đầu gồm 4 chiếc do các tàu săn ngầm Kronstadt dẫn đầu, và tốp sau gồm các tàu săn ngầm lớp Hải Nam vừa tới. Hạm trưởng được lệnh đáp trả mọi thách thức đối với các tàu đánh cá của dân quân biển và hỗ trợ các ngư dân trên các đảo nếu cần.

Hải quân Nam Việt Nam cũng chia thành hai tốp. Tốp đầu bao gồm các tàu khu trục HQ-4 và HQ-5. Tốp này chạy vòng quanh các đảo Quang Ảnh (Money) và Hải Sâm (Antelope) từ phía nam và tiếp cận đảo Quang Hòa. Tốp thứ hai gồm các tàu quét mìn HQ-10 và tàu khu trục HQ – 16, băng qua vùng đầm phá tại Nhóm đảo Lưỡi liềm từ phía tây bắc.

Hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt của Trung Quốc chiếm vị trí để theo dõi các tàu HQ-4 và HQ-5, trong khi các tàu quét mìn loại Type 10 bám theo các tàu HQ-10 và HQ-16. Hạm trưởng HQ – 16 dự cảm trận đánh sắp xảy ra – đã tăng tốc vượt lên các tàu quét mìn Trung Quốc, và 14 lính đặc nhiệm của Nam Việt Nam được đưa lên hai thuyền cao su để giành lại đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây. HQ-16 đâm mạnh và làm hỏng nặng tàu quét mìn 389; thủy thủ trên chiếc 389 bắn vào cầu tàu và ụ súng phía trước của HQ-16, giết hoặc làm bị thương hầu hết thủy thủ Nam Việt Nam trên đó. Cuộc giao chiến sau đó đã diễn ra theo như ý đồ của Trung Quốc.

Các lính đặc nhiệm, từng dự kiến có hải quân yểm hộ, nay phải một mình đối đầu với các tàu Trung Quốc. Họ lên bờ giữa ban ngày, đối địch với một lực lượng kẻ thù đông, cố thủ trong chiến hào trên cả hai đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây, nên nhanh chóng bị đẩy lùi. Họ cố trở lại các thuyền cao su dưới làn đạn kẻ thù, trong khi các tàu hải quân Nam Việt Nam dàn hàng ngang tiến thẳng vào đội hình địch, bắn vào buồng hoa tiêu của địch và tìm cách xoay chuyển thế trận thành một cuộc chiến của pháo tầm xa. Không may cho lực lượng Nam Việt Nam, họ không có được tốc độ, do đó các tàu cơ động hơn của Trung Quốc có thể quyết định khoảng cách giao tranh. Hạm trưởng Trung Quốc ra lệnh: “Tăng tốc tiến lên, đánh cận chiến, thọc mạnh”. Biết rằng các tàu của mình trang bị kém và sẽ bị áp đảo trong một cuộc đấu súng tầm xa, hạm trưởng Trung Quốc quyết định dùng chiến thuật “giáp lá cà”. Sau 10 phút giao tranh, chiến trường đã thu hẹp từ phạm vi 2, 3 hải lý xuống còn vài trăm mét.

Các tàu săn ngầm lớp Kronstadt bắn cấp tập vào HQ-4, trong khi các tàu quét mìn Type 10 tập trung hỏa lực pháo 37mm vào chiếc HQ-16, nhằm vào buồng hoa tiêu, trung tâm thông tin và các radar. Bị bắn hỏng nặng, chiếc HQ-16 phải thoái lui. Các tàu quét mìn chuyển sang bắn vào HQ-10, nhằm vào kho đạn ở đuôi tàu, gây một tiếng nổ khiến phần động cơ phía trước con tàu này tê liệt.

Các tàu quét mìn chỉ cách HQ-10 có khoảng mười thước, khiến các nòng pháo còn lại của chiếc tàu Nam Việt Nam này không thể bắn vào những con tàu thấp và nhỏ hơn của đối phương đang tiếp cận sát thân tàu. Súng bộ binh của thủy thủ Trung Cộng quét dọc ngang sàn tàu và buồng hoa tiêu, sát hại thuyền trưởng và hầu hết thủy thủ điều khiển tàu.

Chiếc HQ-16 bị hư hại cố tiếp ứng cho HQ-10 nhưng bị đẩy ra xa bởi hỏa lực của quân Trung Quốc. Nó phải rút về phía đông nam, trong khi HQ-4 và HQ-5 rút về phía nam. Hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam của Trung Quốc tới nơi khoảng trưa 19/1, bắn tiếp vào chiếc HQ-10 khiến nó chìm vào lúc 1h chiều.

Cùng lúc, Bắc Kinh lo ngại Sài Gòn sẽ tăng cường quân cho các đồn còn lại trên các đảo, gồm khoảng 2 đại đội bộ binh trên các đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa (Pattle), và Quang Ảnh, và các lính đặc nhiệm còn sống sót. Hạm đội Nam Hải pha trộn một đội hình chắp vá gồm tất cả những đơn vị nào còn có thể lên đường: một tàu khu trục, năm tàu phóng lôi, và tám tàu tuần tra loại nhỏ. Được tổ chức thành ba đội tàu đổ bộ và vận tải, các tàu này chở 500 lính thuộc 3 đại đội bộ binh, một đại đội dân quân và một nhóm trinh sát vũ trang.

Đội tàu này triển khai thành đội hình thuận cho xuất phát. Tốp đầu gồm bốn chiếc tàu tuần tra và các tàu lưới rà của dân quân biển mang số hiệu 402 và 407, mang  theo một đại đội bộ binh 100 lính. Tốp hai gồm một đại đội bộ binh và đội trinh sát thủy – bộ được rải ra trên bốn chiếc tàu tuần tra và chiếc tàu quét mìn 389. Chiếc tàu khu trục Nam Ninh, vốn là một tàu hộ tống của Nhật trước đây, trở thành thê đội ba, chở một đại đội bộ binh và được bổ nhiệm làm soái hạm của chiến dịch này.

Tốp đi đầu tiến công đảo Hữu Nhật, bắn pháo vào những người giữ đảo để đẩy họ khỏi bờ biển, rồi đổ bộ lính bộ binh bằng các thuyền cao su và xuống ba lá. Hữu Nhật thất thủ sau 10 phút. Thê đội 2 tiến đánh đảo Hoàng Sa (Pattle), đẩy 30 lính giữ đảo về phía giữa đảo nơi họ đầu hàng sau một giờ giao tranh. Trong trận đánh trên đảo này, Trung Quốc bắt được viên thiếu tá Nam Việt Nam chỉ huy lực lượng đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa và viên cố vấn được phái tới từ Đại sứ quán Mỹ. Các lính đặc nhiệm trên đảo Quang Ảnh bỏ vị trí trước khi Hải quân Trung Quốc tiến công, trốn thoát được vài ngày trước khi bị bắt.

Cho đến cuối chiều 20/1, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc. Hơn 100 lính Nam Việt Nam bị giết hoặc bị thương, và 48 lính Nam Việt Nam và một sĩ quan liên lạc người Mỹ bị bắt, so với 18 lính Trung Quốc bị chết, 67 người khác bị thương.

Đây là một thắng lợi lớn của Hải quân Trung Quốc: một tàu phá thủy lôi của Nam Việt Nam bị chìm, ba tàu khu trục bị hư hỏng nặng, so với hai tàu săn ngầm, một tàu quét thủy lôi và một tàu đánh cá của Trung Quốc bị hư hỏng nặng.

Trung Quốc dành 2 tuần tiếp theo để gia tăng sự hiện diện hải quân xung quanh các đảo và củng cố phòng ngự, bao gồm cả việc triển khai một tàu ngầm lớp Romeo và ba tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Thành Đô, mang theo các tên lửa hành trình chống hạm loại Styx.

Về chiến thuật, các đơn vị hải quân Nam Việt Nam có hỏa lực mạnh hơn đối phương, nhưng họ không có một hệ thống radar điều khiển hỏa lực, do đó phải bắn qua lỗ ngắm, làm giảm đáng kể khả năng bắn trúng các mục tiêu cơ động nhanh như các tàu tuần tiễu của Trung Quốc. Mặc dù tình trạng kỹ thuật của tàu chiến cả hai bên ngăn cản họ hành động ở tốc độ cao nhất, các tàu của Trung Quốc vẫn đạt được tốc độ tới 7-10 hải lý/giờ, một ưu thế khiến họ có thể quyết định cự ly giao tranh.

Một khi đã đạt được cự ly cách các tàu của Nam Việt Nam nửa dặm, các vũ khí nhẹ, tác xạ nhanh của tàu Trung Quốc và sự linh hoạt tạo cho họ một ưu thế rõ ràng. Chiến trường được quyết định trong một khoảng cách chỉ 200 thước. Không gian chỉ huy, hoa tiêu và liên lạc của các tàu Nam Việt Nam đối mặt với hỏa lực tầm gần chính xác, và các pháo lớn của họ bị vô hiệu ở tầm bắn gần. Các tàu của Nam Việt Nam đành rút lui, để các đơn vị đồn trú trên các đảo không được hỏa lực hải quân hỗ trợ.

Nam Việt Nam đe dọa sẽ trả đũa nhưng nhận thấy cán cân lực lượng hải quân nghiêng về phía Trung Quốc. Hơn nữa, Sài Gòn có nhiều mối lo đè nặng. Cơ quan tình báo Sài Gòn đang dõi theo các đường vận tải và chuyển quân của Bắc Việt đổ theo hướng qua Lào và đông Campuchia. Việc dồn quân dọc biên giới Nam Việt Nam là một dấu hiệu gây lo ngại về ý định của Hà Nội.

Cùng lúc, Hà Nội phản đối động thái này của Bắc Kinh nhưng không hành động gì. Bắc Việt vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc để tổ chức, động viên lực lượng của mình cho trận đánh cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát Nam Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4/1975, Hà Nội nhanh chóng giành quyền kiểm soát các đảo do Nam Việt Nam nắm giữ trên quần đảo Trường Sa. Những năm sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và duy trì tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này, cũng như với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam tuy vậy chưa bao giờ tìm cách chiếm lại Hoàng Sa. Nước này còn bị thua trong một cuộc hải chiến vào những năm 1980 khi Trung Quốc tấn công ba đảo đá san hô do Việt Nam kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong các cuộc giao tranh kể trên và trong các hành động gần đây, Bắc Kinh đã lặp lại các chiến thuật nó đã sử dụng vào năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa. Thứ nhất, cho các tàu đánh cá thâm nhập vùng tranh chấp, trong đó có cả các tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển, để xua đuổi lực lượng bên kia. Các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được triển khai gần đó nhằm hỗ trợ các tàu đánh cá nếu cần, còn xa hơn là các nhóm tàu hải quân để hỗ trợ các tàu Hải cảnh. Cả lực lượng hải cảnh lẫn các đơn vị hải quân đều không bắn trước, nhưng nếu chiến sự xảy ra, họ sẽ phải chiến thắng. Trung Quốc cũng thiết lập một sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm và đồn trú quân trên một số đảo san hô mà họ chiếm được gần đây tại Trường Sa.

Việt Nam cũng đáp lại bằng cách vũ trang cho các tàu đánh cá của mình và thiết lập quan hệ đối tác quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời tìm cách hợp tác quân sự với cựu thù Hoa Kỳ. Với 5 bên cùng tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc, Biển Đông đã trở thành một “điểm nóng” và kích thích một cuộc chạy đua vũ trang khu vực mà có người lo ngại sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới.

Carl O. Schuster là một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu sau 25 năm công tác, với những năm cuối cùng phục vụ trong ngành tính báo quân sự. Hiện sống ở Honolulu, Schuster tham gia giảng dạy chương trình Ngoại giao và Khoa học Quân sự tại Hawaii Pacific University.

Carl O. Schuster, “Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06/2017

[English] Carl O. Schuster, “Battle for Paracel Islands”, Historynet, 06/2017

WITH U.S. TROOPS GONE FROM SOUTH VIETNAM, CHINA MADE A MOVE AT SEA IN 1974, AND THE RIPPLE EFFECTS ARE STILL BEING FELT.

On Jan. 11, 1974, South Vietnamese officials received reports of Chinese activity on two of their islands in the Paracel Island chain. Two days later, naval headquarters ordered frigates Lý Thường Kiệt HQ-16 and Trần Khánh Dư HQ-4 to investigate.

HQ-16 arrived off Robert Island on Jan. 16 and found it occupied by Chinese “fishermen” from two boats anchored offshore. The ship’s commander ordered the Chinese to depart and fired warnings shots to make sure they understood his intentions. He then shelled and destroyed the Chinese flags and a fish-processing site the supposed fishermen had placed there six days earlier. HQ-4 arrived Jan. 17 and put a 40-man South Vietnamese SEAL unit on Robert Island and nearby Money Island to remove the Chinese flags. On Jan. 18, the two frigates rammed a Chinese fishing trawler, No. 407, forcing the heavily damaged craft to leave the area. South Vietnamese frigate Trần Bình Trọng HQ-5 and minesweeper Nhật Tảo HQ-10 arrived later.

Saigon believed it had blocked Beijing’s latest attempt in a six-month intimidation campaign to take the western half of the Paracel chain. Armed Chinese fisherman had all but driven South Vietnamese fishermen from the area, and at least two Chinese fishing boats had been caught operating in waters claimed by South Vietnam. The latest Chinese activity, however, was the start of a new phase in an effort to seize all of the Paracels. This time the “fishermen” were members of the People’s Maritime Militia, a paramilitary arm of the Chinese navy.

The two fishing boats off Robert Island reported to China’s South Sea Fleet headquarters. On Jan. 16, the fleet ordered two Hainan Island-based Kronstadt-class subchasers to rush Maritime Militia to the scene, officially to protect fisherman but more likely as part of a force buildup. China also ordered the deployment of two ocean-going minesweepers. Beijing had decided to solve the Paracel Islands territorial dispute by force if the opportunity presented itself.

A poster leaves no doubt about Vietnam’s position on the Paracels. 

The Paracel Archipelago consists of 130 coral islands, reefs and banks distributed across 5,800 squares miles of maritime area almost equidistant from China’s Hainan Island (162 nautical miles) and Vietnam’s port of Da Nang (200 nautical miles). The total land area is about 3 square miles. Most of the islands are grouped in the northeast Amphitrite Group or the western Crescent Group, which are separated by 39 nautical miles. The Amphitrite Group’s Woody Island, about 530 acres, is the largest of the Paracel islets.

Although both Vietnam and China trace their claims on the Paracel Islands to long-ago imperial dynasties, the roots of the modern Sino-South Vietnamese dispute lie in the 1930s and France’s colonial ambitions. France, a colonial power in Vietnam since 1858, established its claim on the Paracels and the nearby Spratly Islands in 1932 but wasn’t initially concerned about actually occupying them. That changed in 1937 as Japan’s war with China—started in 1931 with Japan’s seizure of Manchuria—escalated when the Japanese pushed farther into China. The French, concerned that either China or Japan might seize the islands, put a Franco-Vietnamese garrison of about 100 men on Woody Island in 1938 as a buffer to extend the defensive perimeter of France’s Indochina colonies.

British authorities encouraged the French move because it also extended the defense perimeter of Britain’s Malaya colony. Both nations believed Japan’s war with China was merely a preliminary step toward seizure of European colonies in Southeast Asia. But instead of deterring a Japanese move into the South China Sea, the French occupation of the Paracels provoked Japan, which landed a small naval infantry unit on Woody Island in 1938 just months after the French occupation. The French garrison surrendered without a fight. Japan annexed the Paracel and Spratly islands in 1941, claiming they were part of Japanese-occupied Taiwan.

After the U.S. atomic bomb drops on Aug. 6 and 9, 1945, Japan started removing its forces from the islands, completing the withdrawal by the end of August. The Nationalist Chinese Kuomintang government occupied the Amphitrite Group two months later and put a garrison on Woody Island in January 1946. France, after failing to drive the Nationalist Chinese from the Amphitrite Group in a naval show of force, laid claim to the Crescent Group and landed a Foreign Legion platoon on the group’s Pattle Island to deter Chinese occupation.

The Nationalist Chinese government reiterated its claim to the entire South China Sea in 1947, issuing a map that placed its territorial claims inside a “nine-dash line” on the outer edge of the sea. In 1949, Communist Chinese forces drove the Nationalist Chinese government to Taiwan. Japan relinquished its claims to all South China Sea islands at the 1951 San Francisco Peace Conference but did not surrender its control specifically to any other claimant, leaving the islands’ ownership unresolved. The Communist People’s Republic of China assumed the Nationalist government’s South China Sea claims as its own.

South Vietnam, however, occupied the Crescent Group in 1954 and placed a small garrison on three islands. Communist China took possession of the Amphitrite Group and Woody Island in 1956. Chinese fishermen landed on the Crescent Group’s Duncan Island in 1959, but the South Vietnamese government evicted them.

As the fighting in the Vietnam War escalated, Saigon—confident of American naval support—withdrew its island garrisons. By 1967, the South Vietnamese presence had been reduced to a single weather service station. China seemed to accept the status quo.

Two developments in the 1970s changed the dynamics in the South China Sea. Reports of potential oil deposits in the region surfaced in mid-1972, and the Paris Peace Accords of January 1973 ended U.S. military involvement in Vietnam. Asian leaders suddenly saw the South China Sea disputes as not just a political and administrative matter but also as an economic development issue. Mao Zedong’s inner circle calculated that the probable economic rewards outweighed the risks of a possible military confrontation. Moreover, those risks were diminishing.

Mao recognized that an American government withdrawing from South Vietnam lacked the will to risk another conflict and wanted China’s support against an increasingly assertive Soviet Union. The Chinese leader concluded that the Saigon regime had little prospect of U.S. support and its days were numbered. His inner circle also knew that North Vietnam still needed Chinese assistance in its drive to conquer the South, and Hanoi’s other ally, the Soviet Union, did not have forces on the scene to interfere with China’s actions in the islands. Mao ordered a series of steps to pressure South Vietnam to abandon the Paracels.

Oblivious to Beijing’s intentions, Saigon declared its administrative control over the Crescent Group in August 1973 and one month later authorized contracts to explore the surrounding waters for oil. The first incursions of the Chinese fishing fleet had occurred in late July. Many of the “fishermen” were armed, and at least one of the boats had improvised armor, but they retreated whenever South Vietnamese naval units arrived. Saigon placed small platoon-strength garrisons on three of the islands.

In October, Chinese fishing trawlers 402 and 407 landed crewmen on Duncan Island, establishing a supply point with shelters and planting Chinese flags around the island. South Vietnam seized several Chinese fishing boats in November and arrested their crews. The men were taken to Da Nang where they made televised confessions of wrongdoing and crimes against the Vietnamese people before being released. But Chinese fishing boat attacks on South Vietnamese fishermen continued. Meanwhile, Mao had ordered his navy to prepare for military actions in support of China’s fishermen.

On Jan. 10, 1974, a group of those fishermen had begun to process their catch on Robert Island in the Crescent Group. The fishermen themselves had been seen three days earlier by South Vietnamese fishing craft that fled the scene but couldn’t make contact with South Vietnamese authorities until the crew reached Da Nang on Jan. 11. Beijing issued a statement the same day reiterating its indisputable sovereignty over the Paracel and Spratly islands as well as Macclesfield Bank, a submerged atoll about 70 nautical miles east of the Paracels.

Recognizing the implications, Saigon dispatched frigates HQ-16, HQ-4, HQ-5 and the SEAL-carrying minesweeper HQ-10 to Robert Island. Two of the frigates were converted World War II seaplane tenders with the seaplane-support equipment removed, and the third was a converted destroyer escort. All were in poor condition, suffering a variety of engineering and weapons problems that limited their speed and firepower.

After their arrival on Jan. 16, the South Vietnamese vessels quickly drove off the Chinese fishermen. Trawler 407 reported HQ-16’s arrival to the Maritime Militia headquarters in Yulin on Hainan Island the morning of the 16th. The message reached Beijing a few hours later.

That evening, the Chinese navy’s South Sea Fleet sent two Kronstadt-class subchasers, 271 and 274, to pick up a Maritime Militia company of four 10-man “platoons” on Woody Island and take them to the Crescent Group. Beijing tried to rush reinforcements to the scene, but like their South Vietnamese counterparts, the Chinese navy’s warships were in bad shape.

China’s Cultural Revolution, a purge of anti-socialist influences and Mao’s opponents, had all but demolished the country’s shipyards. More than 2 million scientists, engineers, educators, skilled workers and administrators were imprisoned or killed, including those who built and maintained the country’s ships and the rail systems that delivered material to the shipyards.

Consequently, the Chinese navy’s best warships, the Type 065 destroyers, were unable to get underway at all. The 271 was fresh out of the yards and had to yet to finish its sea trials, while the 274’s diesel engines’ poor condition precluded speeds above 18 knots. Still, they were faster and better armed than the South Vietnamese vessels. Two Shenyang J-6 fighter planes (Chinese copies of the Soviet MiG-19) provided air cover for the subchasers but lacked the range to remain overhead after the ships arrived on scene the evening of Jan. 17.

At dawn on Jan. 18, the Chinese ships landed one Maritime Militia platoon on Drummond Island, another on Palm Island and two platoons on Duncan Island. Those troops spent the day digging in and placing mines and booby traps in front of their positions. Two Guangzhou-based Type 10 ocean minesweepers, 389 and 396, were ordered to reinforce Kronstadtsubchasers 271 and 274. They arrived late in the morning.

China’s only other operational warships, two Hainan-class subchasers, had to deploy from Shantou, more than 476 nautical miles away. They sped toward the Paracels at top speed, refueling in Zhajiang, south of Hong Kong, and in Yulin. The Chinese ships were instructed to support the Maritime Militia trawlers with the following rules of engagement: Don’t stir up trouble. Don’t fire the first shot. But if combat erupts, win it.

In the early morning of Jan. 19, the flotilla leader organized his ships into two groups—four in the forward group, led by the Kronstadt subchasers, and the rear group, formed of the Hainan-class subchasers, once they arrived. He was ordered to respond to any threat to the militia fishing trawlers and support the fishermen on the islands if required.

The South Vietnamese also organized into two groups. The first consisted of frigates HQ-4 and HQ-5. They circled around Money and Antelope islands from the south and approached Duncan Island. The second group, minesweeper HQ-10 and frigate HQ-16, cut across the Crescent Group lagoon from the northwest.

The two Chinese Kronstadt subchasers positioned themselves to monitor the HQ-4 and HQ-5, while the Type 10 minesweepers shadowed HQ-10 and HQ-16. The captain of the HQ-16, seeing what he believed to be an opening, accelerated past the Chinese minesweepers, and 14 South Vietnamese SEALs were launched in two rubber boats to retake Duncan and Palm islands. HQ-16 rammed and heavily damaged minesweeper 389, whose crewmen fired their small arms at HQ-16’s bridge and forward gun mount, killing or wounding most of the sailors there. The fighting that followed went almost entirely China’s way.

The SEALs, with their intended naval support now entirely engaged against the Chinese ships, went ashore in daylight to face the larger, dug-in enemy on both Duncan and Palm islands. They were quickly repelled. The SEALs withdrew to their boats under heavy fire as the South Vietnamese naval units formed a line abreast and advanced toward the Chinese formation, firing on the enemy’s pilot houses and maneuvering to turn the engagement into a battle of long-range guns. Unfortunately for the South Vietnamese, their lack of speed meant the faster Chinese ships would get to determine the range at which the battle would be fought, and the Chinese flotilla leader ordered, “Speed forward, fight close and hit hard.” Knowing his ships were ill-equipped and outgunned for a long-range duel, he had decided to employ “knife fight” tactics. Within 10 minutes the combat, which had been taking place at a range 2 to 3 miles, dropped to just a few hundred yards.

The Kronstadt subchasers concentrated their fire on HQ-4, while the Type 10 minesweepers focused their 37 mm cannon fire on HQ-16, targeting the pilot house, combat information center and radars. Heavily damaged, HQ-16 withdrew. The minesweepers then shifted fire to HQ-10, striking its aft magazine. The resultant explosion crippled the ship’s forward engineering plant.

The minesweepers got within 10 yards of HQ-10, and by then the South Vietnamese ship’s remaining cannons could not engage the lower-lying, smaller enemy vessels that were moving in close to the hull. The Chinese crews raked the main deck and pilot house with small-arms fire, killing the ship’s captain and most of the navigation team.

The battered HQ-16 tried to come to HQ-10’s aid but was driven off by Chinese fire. It retreated to the southeast as HQ-4 and HQ-5 withdrew to the south. China’s two Hainan-class subchasers arrived shortly after noon on Jan. 19 and opened fire on the HQ-10, sinking it by 1 p.m.

Meanwhile, Beijing was worried that Saigon might dispatch reinforcements to South Vietnam’s remaining garrisons, containing a pair of infantry platoons on Robert, Pattle and Money islands and the surviving SEALs. China’s South Sea Fleet scrambled, putting together a patchwork force of all units that could get underway: a frigate, five torpedo boats and eight small patrol boats. Organized into three amphibious transport flotillas, the ships boarded nearly 500 troops in three infantry companies, a people’s militia company and an armed reconnaissance group.

The flotilla deployed in the order its ships could get underway. The first flotilla consisted of four patrol boats and Maritime Militia trawlers 402 and 407, carrying a single 100-man infantry company. The second flotilla carried one infantry company and an amphibious reconnaissance team spread out on four patrol craft and minesweeper 389. The frigate Nanning, a former Japanese destroyer escort, constituted the third flotilla with one infantry company aboard and was designated the command ship for the operation.

The first flotilla assaulted Robert Island, shelling the defenders to drive them away from the beach and then landed the infantry using rubber boats and sampans. The island fell in about 10 minutes. The second flotilla attacked Pattle Island, driving its 30 defenders toward the center of the island where they surrendered after an hour of fighting. In the Pattle Island battle, the Chinese also captured the major commanding South Vietnam’s garrisons in the Paracels and an American adviser from the U.S. Embassy. The SEALs on Money Island abandoned their positions before the Chinese navy initiated its assault and avoided capture for several days.

By late evening Jan. 20, all of the Paracel Archipelago was in Chinese hands. More than 100 South Vietnamese had been killed or wounded, and 48 South Vietnamese soldiers and an American liaison officer were captured, compared with 18 Chinese dead and 67 wounded.

It was an overwhelming victory for the Chinese navy: One South Vietnamese minesweeper sunk and three frigates heavily damaged versus two Chinese subchasers, one minesweeper and a fishing trawler heavily damaged.

China spent the next two weeks increasing its naval presence around the islands and strengthening their defenses, including the deployment of a Romeo-class submarine and three Chengdu-class guided missile frigates equipped with Styx anti-ship cruise missiles.

Tactically, the South Vietnamese naval units outgunned their Chinese opponents, but a lack of functioning fire-control radars meant they had to fire over open sights, greatly reducing their prospects for hitting fast targets like the Chinese patrol craft. Although the poor condition of both combatants’ ships precluded action at full speed, the Chinese boats enjoyed a 7- to 10-knot advantage that enabled them to dictate the range of the engagements.

Once they closed within a half-mile of the South Vietnamese ships, the Chinese vessels’ rapid-firing light weapons and better agility gave them a significant advantage. The battle became decisive at about 200 yards. South Vietnam’s command, navigation and communications spaces faced accurate close-range fire, and its heavy guns were useless at that range. The country’s ships had no choice but to withdraw, leaving the island garrisons without the naval gunfire support they needed.

South Vietnam threatened retaliation but recognized the balance of naval power favored China. Moreover, Saigon had more pressing concerns. Its intelligence services were tracking North Vietnamese supply and troop movements into Laos and eastern Cambodia. The force buildup along South Vietnam’s border was a troubling sign of Hanoi’s intentions.

At the time, Hanoi protested Beijing’s moves, but took no action. Communist North Vietnam still needed China’s support to reconstitute its forces for the final assault to take control of South Vietnam. After unifying the country in April 1975, Hanoi quickly occupied the islands held by South Vietnam in the Spratly chain. In the postwar years, Vietnam has continued to protest China’s seizure of the Paracel Islands and maintains its claim to those islands and much of the Spratly Islands as well. Vietnam, however, has never attempted to retake the Paracel Archipelago. It suffered naval defeats in the 1980s when China attacked three Vietnamese-controlled reefs in the Spratly Islands.

In those engagements and more recent actions, Beijing has repeated the tactics it employed in 1974 in the Paracels. First, fishing boats enter the disputed area, some of which are armed Maritime Militia trawlers that drive away the competition. Chinese Coast Guard vessels are positioned nearby to come to the trawlers’ aid if required, while farther back is a small naval task group standing by to support the Coast Guard, if necessary. Neither the Chinese Coast Guard nor the naval units will fire the first shot, but if fighting breaks out, they fight to win. China has also established a military airfield on Woody Island and stationed troops on several recently seized atolls in the Spratly Islands.

Vietnam has responded by arming its fishing boat crews and establishing military partnerships with India and Japan—and is seeking more military cooperation with its former enemy, the United States. With six other nations disputing China’s claims, the South China Sea has become a “hot spot” and triggered a regional arms race that some fear may spark a new war.

Carl O. Schuster is a retired Navy captain with 25 years of service. He finished his career as an intelligence officer. Schuster, who lives in Honolulu, is a teacher in Hawaii Pacific University’s Diplomacy and Military Science program.

First published in Vietnam Magazine’s June 2017 issue.

BY CARL O. SCHUSTER

more by Carl O. Schuster

Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa (19-01-1974)

Cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà Hạm trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo và cac Chiến Sĩ Hải Quân - Quân Chủng Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã oanh liệt ngã xuống trong cuộc chiến ngày 19/1/1974 chống lại CHNDTH (China) 

Khi tàu bị trúng đạn, đang chìm dần giữa biển Đông, Ngụy văn Thà đã lệnh cho Hạm phó, thiếu tá Nguyễn thành Trí, dùng bè cao su đưa số chiến sỹ còn sống sót, bị thương về đất liền, còn mình quyết ở lại với chiến hạm cho đến hơi thở cuối cùng.

Phản ứng của các nước 1974?- VNDCCH, Mỹ im lặng, Liên Xô phản đối

Dựa theo các tài liệu đã giải mật của Hoa Kỳ, BBC tóm lược các phản ứng của chính phủ Mỹ ngay tại thời điểm sự kiện vừa diễn ra.

Ngoại trưởng Kissinger hỏi lại: "Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ [Nam Việt Nam]?"

Đô đốc Moorer trả lời: "Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác có cùng vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó."

Ông Kissinger hỏi "Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?"

Đô đốc Thomas H. Moorer mô tả: "Một đội tuần tra của Nam Việt Nam trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo; họ tiến đến và đưa khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía nam của nhóm Nguyệt Thiềm.

"Họ phải đối đầu với hai đại đội Trung Quốc. Phía Nam Việt Nam phải rút sang các đảo gần đó.

"Bốn tàu Nam Việt Nam và khoảng 11 tàu Trung Quốc sau đó có trận hải chiến trong khi quân Nam Việt Nam rút lui."

Ngoại trưởng Mỹ hỏi tiếp: "Phản ứng của Bắc Việt trước toàn bộ vụ việc là thế nào?"

William Colby, Giám đốc tình báo CIA, nói: "Họ bỏ qua, nói rằng nó nằm dưới Vĩ tuyến 17 và vì thế không có ảnh hưởng đến họ. Nói chung, họ không đưa ra lập trường, không theo bên nào."

Ông William Smyser, từ Hội đồng An ninh Quốc gia, nói thêm: "Nó đặt họ vào tình thế tế nhị. Họ không nói gì cho đến khi đã xong chuyện, và rồi chỉ nói họ lên án việc dùng vũ lực."

Cuộc bàn luận tiếp tục với trình tự như sau:

"Ngoại trưởng Kissinger: Tôi biết họ nói gì rồi, nhưng họ thực sự cảm thấy thế nào?

Đô đốc Moorer: Tôi nghĩ họ lo lắng.

Ông Colby: Bắc Việt có thể muốn có mỏ dầu tại đó.

Ông Clements [Thứ trưởng Quốc phòng]: Đừng quá mơ mộng về khả năng có dầu tại các đảo đó. Đó vẫn là chuyện trên trời. Hiện chẳng có gì ở đấy cả, chỉ là tương lai thôi. Hiện nay dầu hỏa ở đó không khả thi. Chỉ là tiềm năng.

Đô đốc Moorer: Người Pháp nắm giữ các đảo trong thập niên 1930 cho đến khi Nhật chiếm trong Thế chiến. Năm 1955, người Pháp từ bỏ chủ quyền các đảo và Nhật đã làm như thế năm 1951. Nam Việt Nam và Trung Cộng kể từ đó cùng nhận chủ quyền. Philippines có tuyên bố yếu ớt, nhưng chỉ là trên giấy."

Sau đó, Đô đốc Moorer xác nhận lại với Henry Kissinger: "Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực."


https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42723441 

------------------------------

Ngày đăng: 20/01/2022 - 06:47 

Phản ứng của các nước lớn trong vụ xung đột tại quần đảo Hoàng Sa là khác nhau. Từ thái độ của mỗi nước, cho thấy rõ hơn về tính chất của mâu thuẫn trên biển Đông, về phương hướng giải quyết tranh chấp của chính quyền VNCH trong suốt thời kỳ tồn tại của mình.

Trong quan điểm giải quyết mâu thuẫn tại quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và báo chí quốc tế cho đây không chỉ là vấn đề riêng của hai nước trực tiếp xung đột, của Sài Gòn và Bắc Kinh, không đóng khung trong sự tranh chấp của riêng quần đảo Hoàng Sa.

Đó là một mâu thuẫn, có tính chiến lược của các nước lớn trong hệ thống các quần đảo trên biển Đông, đồng thời cũng là một vấn đề có tính chất quốc tế nghiêm trọng. Về việc này, ngay sau khi Trung Quốc tăng cường lực lượng Hải quân đến quần đảo Hoàng Sa, Hãng AFP đã nhận định về tính chất, nguyên nhân xung đột tại quần đảo Hoàng Sa như sau: “Sự bất đồng giữa Hoa Lục với Nam Việt về các quần đảo ở Nam Hải vượt khỏi phạm vi sự chạm trán giữa Bắc Kinh và Sài Gòn. Sự chạm trán này liên quan đến sự kiểm soát về chiến lược và về kinh tế của gần hết biển Nam Hải nằm một mặt giữa Hoa Lục và Nam Việt cả mặt khác giữa Mã Lai Á, Inđônêsia, Phi Luật Tân vùng biển rộng lớn tiếp nối có biển Malacca nằm ở phía Nam Nhật rất quan trọng”.

Bởi vậy, phản ứng của các nước lớn trong vụ xung đột tại quần đảo Hoàng Sa là khác nhau. Từ thái độ của mỗi nước, cho thấy rõ hơn về tính chất của mâu thuẫn trên biển Đông, về phương hướng giải quyết tranh chấp của chính quyền VNCH trong suốt thời kỳ tồn tại của mình. Ở đây đề cập đến hai nước lớn là Liên Xô và Mỹ, bởi đó là hai nước có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ quốc tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lúc bấy giờ.

Thái độ của Liên Xô

Trong quan hệ quốc tế năm 1974, cục diện chính trị thế giới đã có nhiều thay đổi trong thế “hai cực” của chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau sự kiện năm 1972 khi Trung Quốc và Mỹ ký Thông cáo chung Thượng Hải. Liên Xô thể hiện phản ứng không hài lòng của Trung Quốc khi “đi đêm” với Mỹ và có những hành động nhằm giữ thế cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương.

Ngay sau khi hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa diễn ra, báo chí của Liên Xô đã có những phản ứng gây gắt. Ngày 27-01, tờ Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng: “hành động quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ và là một mối đe dọa cho các quốc gia Á Châu, việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai không thể nào tha thứ được”.

Trong khi đó, Đài BBC, ngày 27/01/1974 đã phân tích tình hình và nhận định mối quan hệ giữa các quốc gia trong vụ Hoàng Sa, xem việc Trung Quốc dùng vũ lực là một điều mới mẻ, ý đồ bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc đã thể hiện trước đó nhưng chủ yếu bằng cách thức hòa bình. Hiện nay, nhiều yếu tố trong mối quan hệ quốc tế đã thay đổi, tuy nhiên việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa vẫn gây sự ngạc nhiên cho nhiều nước.

Bài báo này cho rằng: “có nhiều lý do để giải thích sự kiện mới này, một lý do là vì Trung Quốc quan tâm không hẳn là với mục đích chiếm các hải đảo cho Trung Quốc mà để đảm bảo rằng, các quần đảo nhỏ ấy rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô hoặc rơi vào tay các đồng minh của hai siêu cường này”.

Có nghĩa là Liên Xô sẽ giảm ưu thế của mình một khi Trung Quốc làm chủ quần đảo Hoàng Sa, đây là một nguyên nhân chủ yếu để Liên Xô phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, mặc dù lúc này quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VNCH chứ không phải là của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý thức hệ chính trị đóng một vai trò thứ yếu trong thái độ của Liên Xô đối với tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề ý thức hệ cũng thể hiện rất rõ trong thái độ của Trung Hoa quốc gia tại Đài Loan khi “Trung Hoa Quốc gia ở Đài Loan cũng tuyên bố đại diện cho lục địa và Đài Loan còn có quân đội đóng tại một số các hải đảo nhỏ”. Và, sự việc không đóng khung tại quần đảo Hoàng Sa mà “còn tranh giành về quần đảo Trường Sa quá về hướng Nam về hai nhóm quần đảo khác nhỏ hơn”.

Đó là thái độ của Liên Xô trong nhận định của một số tờ báo của nước ngoài, đặc biệt là tờ Sự Thật (Pravda), tiếng nói của Đảng và nhân dân Xô Viết. Đối với các quan chức, lãnh đạo của chính quyền VNCH, họ cũng đồng quan điểm về thái độ của Liên Xô đã ủng hộ VNCH và phản đối hành động xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc. Hãng TTH tại Sài Gòn ngày 01/02/1974 đã đưa tin phỏng vấn các Nghị sĩ VNCH về vụ Hoàng Sa. Nghị sĩ Trương Vi Trí cho rằng: “Việc Trung Cộng xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa chỉ có mục đích chiến lược. Ở đây chỉ có thể đặt một đài kiểm soát di chuyển của các tàu bè trên mặt biển cũng như sự điều động các lực lượng Hải quân. Do đó, Trung Quốc quyết chiếm cho bằng được quần đảo này với mục đích là đặt cơ sở kiểm soát phía đông Thái Bình Dương hầu có thể theo dõi sự di chuyển của Hải quân Liên Xô và tránh được sự bao vây sau này của Nga”.

Bản chất của sự kiện Hoàng Sa năm 1974 nằm trong chiến lược cân bằng quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới, cụ thể là kìm hãm ảnh hưởng của Liên Xô tại Châu Á – Thái Bình Dương. Điều này nằm trong nhận định của Báo Tia Sáng: “Vụ Hoàng Sa không chỉ đóng khung trong eo biển Đông Dương mà còn có một tầm vóc tranh chấp quốc tế về quyền lợi trên mặt và dưới đáy sâu biển cả”.

Từ những nhận định trên, cho thấy sự kiện Hoàng Sa ngày 19-01-1974 trên bình diện quốc tế có hai vấn đề: Một là, bản chất của vụ Hoàng Sa là sự tranh chấp chiến lược trên biển giữa Liên Xô và Trung Quốc, cụ thể là Trung Quốc quyết phá vỡ sự ưu thế đường biển của Liên Xô nhằm khống chế Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, cho nên trong vụ này, Liên Xô phản đối rất gay gắt.

Hai là, sự kiện Hoàng Sa năm 1974 về bản chất là sự đụng độ kinh tế về tranh giành tài nguyên dưới đáy biển giữa Trung Quốc và nhóm tư bản quốc tế. Tất cả đều là những vấn đề lớn có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược mà Trung Quốc phải đương đầu. Bởi vậy, vấn đề mâu thuẫn sẽ trở nên dễ hiểu khi đặt trong thế chiến lược mà cả báo chí trong nước và quốc tế lúc bấy giờ nhận định, phân tích một cách khách quan.

Thái độ của Mỹ

Thái độ của Mỹ trong vụ Hoàng Sa năm 1974, đó là một thái độ “không phản ứng rõ rệt, im lặng, không can thiệp”. Quan điểm này mới đầu nghe có vẻ lạ bởi VNCH là một “đồng minh thân cận” của Mỹ trên quan hệ quốc tế. Thái độ này gây một sự bất bình đối với chính quyền VNCH trong quá trình kêu gọi sự ủng hộ của các nước có quan hệ để giải quyết mâu thuẩn tại quần đảo Hoàng Sa. Báo chí VNCH và nước ngoài đều có nhiều bài phân tích thái độ của Mỹ nhân sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974 đã làm rõ vấn đề này, đặc biệt là những bài phân tích sau khi sự kiện này đã xảy ra.

Ngày 27/01/1974, sau khi Bộ Ngoại giao VNCH tố cáo những hành động vũ lực, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, khẳng định ý chí chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời gửi văn thư tới các Quốc trưởng hoặc nguyên thủ các quốc gia “thân hữu” nhằm trình bày các tiến trình của vụ Hoàng Sa, cùng chứng tỏ tính chính nghĩa của mình. Trước thái độ thờ ơ của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH nói thanh minh và trách móc trên Tia Sáng rằng: “việc yêu cầu Hoa Kỳ dồn hạm đội thứ 7 can thiệp là hoàn toàn vô căn cứ”.

Điều này phản ánh hai vấn đề: trên thực tế Mỹ đã không hỗ trợ VNCH và can thiệp trong vụ hải chiến Hoàng Sa dù có cả một Hạm đội kề bên; hai là đã là một “đồng minh thân cận” thì việc hỗ trợ đồng minh khi có chiến sự là một điều đương nhiên. Thái độ này chứng tỏ Mỹ có thể sẵn sàng bỏ rơi một đồng minh “nào đó” để theo đuổi quyền lợi riêng của mình để thực hiện chiến lược quốc gia.

Việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên thực tế cũng ảnh hưởng đến vai trò chiến lược của Mỹ ở khu vực này, chứ không riêng gì Liên Xô. Đài BBC nhận định rằng, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa để đảm bảo rằng các quần đảo nhỏ ấy rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô hoặc rơi vào tay các đồng minh của hai siêu cường này“.

Quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc tất nhiên có ảnh hưởng xấu đến Mỹ, tuy nhiên đằng sau đó Mỹ được cái lợi lớn hơn là “nhờ tay” Trung Quốc kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô, Mỹ không phải ra tay và có “tiếng xấu” trên cộng đồng quốc tế. Đó chính là một lý do để Mỹ chọn thái độ “không có phản ứng rõ rệt, im lặng”. Chính thái độ này của Mỹ đã bị các Nghị sĩ VNCH lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Họ cho rằng “đúng lý ra Việt Nam phải được sự hỗ trợ tối đa của các quốc gia trong thế giới tự do” và “12 quốc gia tham dự việc hình thành Hiệp định Paris 27-1-1973, nhất là Hoa Kỳ, phải có thái độ và nghĩa vụ rõ rệt trong vụ này”. Đồng thời bài báo cũng đưa ra thêm một lý do là “vì trong giai đoạn hòa dịu, các quốc gia này không muốn làm mất lòng Trung Quốc vì sợ mất một thị trường tiêu thụ béo bở”.

Một lý do quan trọng khác để dẫn tới thái độ của Mỹ trong vụ này, bởi tính chất của vụ Hoàng Sa chỉ là một “thắt nút” trong việc tranh chấp các đảo và quần đảo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giữa nhiều nước với nhau, không riêng gì giữa Trung Quốc và VNCH. Tờ Điện Tín, ngày 06/02/1974 có bài bình luận, đưa ra nhận định: “Nếu vì dầu lửa mà các nước đồng minh của Mỹ lộn xộn với nhau thì Mỹ sẽ khó bênh ai, bỏ ai. Cho nên trong vụ này, người ta có thể đoán tư bản tài phiệt Mỹ sẽ cố gắng sắp xếp sao cho nội vụ sớm ổn thỏa… đồng thời đã có một nguyên tắc chung đã được Mỹ và Trung Hoa đồng ý là không ai được chiếm ưu thế ở vùng Đông Nam Á”.

Chính vì lẽ đó, trong vụ Hoàng Sa, VNCH đã không hy vọng gì vào Mỹ mà đã đưa ra quyết tâm “cần kích động lòng tự ái dân tộc mà còn phải có hậu thuẫn của nhân dân, được sự yểm trợ của các nước bạn không lệ thuộc vào ai” dù là đồng minh của Mỹ hay không vì Mỹ không thể ủng hộ tất cả đồng minh của mình trong tình thế mâu thuẫn trên biển ở khu vực biển Đông nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Trước sự lên tiếng của VNCH, điều mà Mỹ chỉ muốn làm trong lúc này là lặng lẽ quan sát diễn biến tình hình từ xa như: “Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam theo dõi trên quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam nhưng ở vào một khoảng cách an toàn. Hoa Kỳ đã thiết lập một đài ra đa bằng phi cơ hay bằng khu trục hạm của Hạm đội 7 ở Nam Hải nằm về phía Đông bắc Hoàng Sa độ 160 cây số. Đài ra đa này liên lạc với một đài ra đa của Nam Việt ở Đà Nẵng, việc này giúp cho Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn mọi điều nghe thấy trên các đảo”. Trong vụ Hoàng Sa, Mỹ lặng lẽ quan sát và chỉ can thiệp một khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

http://vpdf.org.vn/tin-tuc-su-kien/chu-quyen-bien-dao/hai-chien-hoang-sa-1974-my-cam-lang-lien-xo-ung-ho-vnch.html 

Bài học 1974- VNDCCH tiếp quản Trường Sa thật nhanh ngày 4/4/1975

Ngày 19/1/1974 Trung Quốc tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa và chiếm trọn quần đảo này từ ngày đó đến nay.

Hành động tấn công này là đỉnh điểm của nhiều bước đi và toan tính từ trước, cũng như mang lại những hệ quả về sau. 

Có một số điều có thể điểm lại để tham khảo ngày hôm nay:


Thứ nhất, điểm đặc biệt của hành động này là tính dễ nhận thấy, rất lộ liễu so với các hành động thù địch của Bắc Kinh đối với Việt Nam nói chung và Bắc Việt nói riêng trước đây.

Những hành động thôn tính hay gây ảnh hưởng thực chất đã diễn ra từ trước 1949 kéo dài đến Hiệp định Geneva 1954, Cải cách Ruộng đất 1956, song tất cả đều không phải dễ nhận thấy với mọi người - ít nhất trong điều kiện thông tin thời trước.

Riêng việc xâm chiếm Hoàng Sa đã là một điển hình xâm lăng rõ ràng và không thể chối cãi.

Sự kiện Hoàng Sa thực sự đã phơi bày hành vi xâm lăng ở mức hiển nhiên và nghiêm trọng.

Đây cũng là một điều đáng quan tâm đối với giới khoa học và quân sự của Việt Nam.


Thứ hai, hành động chiếm đóng Hoàng Sa đã mang một nhận thức mới đến người Việt Nam ở các quan điểm chính trị khác biệt rằng không có tình đồng chí ý thức hệ, không có tình chiến hữu thế giới tự do, chỉ có sự ưu tiên vì lợi ích dân tộc vượt lên trên và lắng đọng tại cột mốc lịch sử này.


Từ đó, những nhà hoạch định chính sách có đánh giá mới về Trung Quốc, Hoa Kỳ và tương quan lực lượng của Việt Nam giai đoạn hậu Thông cáo Thượng Hải 1972, khi Henry Kissinger và Richard Nixon cùng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nâng cốc thỏa thuận trên đầu hai nước Việt Nam.


Ưu tiên cho lợi ích dân tộc từ sự kiện Hoàng Sa 1974 cũng chính là khuynh hướng mới trong vận hành những cỗ máy chính trị dù dưới màu áo nào đi nữa.

Lợi ích dân tộc một mặt sẽ quyết định tính chính danh của nhà cầm quyền và mặt khác là ngọn lửa dễ bùng dậy dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan.


Thứ ba, xâm chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc có một tiền đồn có vị trí địa lý quan trọng có thể tận dụng dòng chảy-khí hậu biển Đông: dòng hải lưu Luzon-Đài Loan mang cá, tôm, ấu trùng cá con, san hô vào đến khu vực Hoàng Sa. Một phần tụ bám lại đây, phần còn lại trôi về Nam Trung Bộ Việt Nam tạo nên sự đa dạng sinh học biển, ngư trường và cảnh quan.

Vị thế tàu bè Bắc Nam của Việt Nam khi đi qua khu vực này hầu như sẽ dễ bị kiểm soát.


Thứ tư, bài học thất thủ Hoàng Sa đã được tiếp nhận nhiều chiều và nhưng không hẳn là thấu suốt. Bài học này gợi ý cho Bắc Việt tiếp quản Trường Sa thật nhanh ngày 4/4/1975 song nước Việt Nam thống nhất vẫn sảy chân tại Gạc Ma 18/3/1988, mất cảnh giác tại Bauxite Tây Nguyên, rừng đầu nguồn, bãi biển Đà Nẵng và những vị trí địa chiến lược khác, vốn không dễ thấy và dễ biết như việc Hoàng Sa thất thủ.

Trung Quốc luôn tấn công Việt Nam với yếu tố bất ngờ vào các thời điểm lễ Tết 19/1/1974, 17/2/1979 và 18/3/1988 và khi nội bộ Việt Nam suy yếu, mất cảnh giác nhất.


Việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc một lợi thế chiến lược quan trọng nhưng đồng thời cũng làm lộ rõ ý đồ của Bắc Kinh và cảnh tỉnh thế giới.

Nó là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc: xác lập đường chữ U và các hành động bành trướng tại Trường Sa sau này.

Vấn đề Hoàng Sa và Biển Đông cho thấy mưu đồ tranh thủ thời gian, truyền thông, tiến hành cuộc chiến tiêu hao sinh lực và tinh thần của nước khác mà Trung Quốc đang tiến hành.

Cũng vì hành động đó, Trung Quốc sẽ phải giải quyết câu chuyện Hoàng Sa với người Việt Nam sau này và mãi mãi.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Cảm ơn hai ông Dự Văn Toán và Lê Trung Tĩnh đã đóng góp.



Ký sự chuyển giao chính quyền  Trường Sa từ VNCH 4/1975

Theo các tài liệu sau này, Trường Sa có hơn 100 đảo lớn nhỏ và bãi san hô ngầm nhưng vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ có 11 đảo có người. 5/11 đảo do quân ngụy đóng giữ, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa có tổng quân địch khoảng hơn 160 tên.

Thực tế cho thấy phương án mà ông Mai Năng đề xuất hoàn toàn chuẩn xác. Trong tiền lệ các cuộc chiến tranh biển đảo, có lẽ cũng chưa từng có chiến dịch nào tương quan mỏng đến vậy, 250 đánh 163!


cuối tháng 3-1975, ý tưởng này mới trở thành chủ trương chiến lược. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết: Sau giải phóng Buôn Mê Thuật, ngày 24-3-1975, đồng chí Lê Hữu Đức lúc đó đang là Cục trưởng Cục Tác chiến đã báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu chủ trương đề nghị nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa do quân Ngụy đang chiếm giữ.

Lực lượng giải phóng Trường Sa được thành lập lúc này quả là một đội hình “4 binh chủng…hợp thành” gồm: lực lượng thuộc trung đoàn đặc công 126, lực lượng của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) (đặc công), lực lượng thuộc tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, sư đoàn 2 (bộ binh), Quân khu 5, một  bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 (số lượng ít), phối hợp với biên đội 3 tàu hải quân (vận tải) thành đoàn  C75.

Khoảng 4 giờ ngày 11-4-1975, biên đội 3 tàu 673, 674, 675 (sau giải phóng Song Tử Tây bổ sung thêm tàu 641) của Đoàn 125 - Đoàn tàu Không số chở C75 bí mật rẽ sóng từ Đà Nẵng, thẳng tiến Trường Sa…

Ở trong bờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dõi theo từng cánh quân thần tốc trên bộ và canh cánh nghĩ về C75 trên biển. Ngày 13-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 dặn dò rất cụ thể: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là: a) Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; b) Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; c) Khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình VNCH ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay. Hai thời cơ cụ thể trên do anh theo dõi và quyết định. Thời cơ cụ thể thứ ba tôi sẽ kịp thời báo anh khi xuất hiện".

Nhưng những gì xảy ra trên biển đều không hẳn như dự kiến…

Ngày mới giải phóng, Trường Sa lác đác có vài cây dừa, phong ba, bàng vuông và bạt ngàn chim hải âu, mòng biển làm bạn với những người lính giữ đảo.

Ở thời điểm đó, rất nhiều phương án tác chiến hiện lên trong đầu ông cùng đồng đội: Đánh đồng loạt hay đánh từng đảo một. Mọi người mang hải đồ ra xem thì có 6 đảo đang bị chiếm giữ. Từ Song Tử Tây đến An Bang dài 124 hải lý, nếu đánh đồng loạt cần có ít nhất 6 tàu đánh 6 đảo và 2 tàu sẵn sàng chi viện, trong khi ta chỉ có 3 tàu nên phương án đánh đồng loạt không khả thi.

Với chủ trương giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa… Đại tá Quế hồi ức lại: 4 giờ ngày 11/4/1975, các chiến sĩ xuất phát trên ba con tàu, do Đoàn trưởng Đoàn 126 Mai Năng chỉ huy.

Nhờ các lần chở vũ khí cho chiến trường nên thủy thủ Đoàn 125 nhận biết được vị trí đảo Song Tử Tây. Trên đường hành quân, VNCH theo dõi rất sát nên các tàu phải giả làm thuyền đánh cá, đi theo đội hình không xác định nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau. Sau ba ngày hành trình trên biển, lực lượng đã áp sát đảo Song Tử Tây. Khó khăn là đa phần chiến sĩ đặc công bơi lặn rất giỏi nhưng lại chưa quen hành quân dài ngày trên biển, trong điều kiện nằm sát sàn tàu, nên say sóng, sức khỏe giảm sút.

1 giờ 15 phút ngày 14/4/1975, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy tiến hành đổ bộ lên đảo theo ba mũi (bằng 7 xuồng cao su). Lúc này, phương thức tác chiến đặc công vẫn được vận dụng là giao nhiệm vụ cho các mũi. Một mũi đi trước bí mật trinh sát các hầm ngầm. Sau 30 phút không thấy động tĩnh gì thì mũi thứ hai đổ bộ phụ trách các lô cốt, ụ pháo trên mặt đất. Mũi ba chỉ huy tiến vào phát hiệu lệnh bằng khẩu DKZ.

Sau hai giờ vật lộn với nước xoáy, sóng lớn và những mỏm san hô lởm chởm quanh đảo, các chiến sĩ đặc công đã bí mật áp sát mục tiêu. Khi mũi chỉ huy của đội trưởng Quế tiến vào gần, bên VNCH phát hiện nên khẩu DKZ của ta khai hỏa ngay trên vai chiến sĩ phát lệnh tấn công.

VNCH đối phó yếu ớt, sau 30 phút chiến đấu, chúng buộc phải đầu hàng. Cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đảo. Mất Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của VNCH ở Trường Sa bị đe dọa. VNCH cử hai tàu ra định phản kích nhưng do lực lượng Hải quân Việt Nam được bố phòng chặt chẽ khiến VNCH phải quay vào tăng cường cho đảo Nam Yết.


Ông Thiếu úy Nguyễn Viết Cường nhớ lại: 1 giờ 30 phút ngày 25/4, toàn bộ lực lượng đã đổ bộ xong, mũi tiến công của tôi tiến tới sát hàng rào dây thép gai. Khoảng 2 giờ, ông bí mật tiếp cận mục tiêu chính là hầm chỉ huy và phát hiệu lệnh tiến công bằng một quả lựu đạn mỏ vịt. Một tiếng nổ inh tai xé tan sự im lặng, căng thẳng đợi chờ. Tiếp theo tiếng nổ là tiếng la hét, kêu cứu đau đớn của những người lính trúng đạn và tiếng chửi thề, văng tục, tiếng chó sủa điên loạn.

Các mũi tiến công của bên giải phóng  đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, VNCH hoảng loạn và chống trả quyết liệt. Một khẩu đại liên VNCH vẫn ngoan cố bắn chặn hướng tiến công của quân giải  phóng lập tức ông lệnh cho tổ B41 của mũi tiến công phía tây bắn diệt, chỉ trong tích tắc khẩu đại liên đã ngừng bắn.

Sau 30 phút chiến đấu, quân  giải phóng đã tiêu diệt hoặc bắt sống toàn bộ quân địch trên đảo. Trận đánh kết thúc. Quân giải phóng  bắn pháo hiệu báo tin vui chiến thắng về tàu: Đảo Sơn Ca đã được giải phóng.


Biên đội gồm 3 tàu 673-674-675 chở quân giải phóng Trường Sa